Khổ vì cảnh... "ngăn sông"

09:12, 07/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù chỉ cách UBND xã khoảng 2km, nhưng người dân muốn đến trung tâm xã phải đi đường vòng xa xôi, cách trở. Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, việc đi lại càng khó khăn. Đó là cảnh khổ vì bị “ngăn sông” của người dân thôn Tà Màu và thôn Gò Rộc ở xã Sơn Trung (Sơn Hà).

Tuy gần mà xa

“Tại thôn Tà Màu có điểm trường dạy các em từ lớp 1 - 3. Nhưng từ lớp 4 - 9, các em phải đến điểm trường chính gần UBND xã Sơn Trung để học. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 2km, nhưng các em phải đi đường vòng gần 15km mới đến trường”, ông Phạm Văn Dũng, trưởng thôn Tà Màu cho biết.

Vì bị ngăn sông nên việc đi lại, học tập của người dân thôn Gò Rộc, Tà Màu đến trung tâm xã gặp nhiều khó khăn.
Vì bị ngăn sông nên việc đi lại, học tập của người dân thôn Gò Rộc, Tà Màu đến trung tâm xã gặp nhiều khó khăn.

Bị ngăn cách bởi sông Rin, vào mùa nắng, để đến trung tâm xã, một số người dân thôn Tà Màu và Gò Rộc... phải lội qua sông. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Thực tế từng có hàng chục trường hợp mất mạng. Còn về mùa mưa, người dân ở thôn Gò Rộc, Tà Màu phải đi vòng thị trấn Di Lăng, qua cầu sông Rin. Trường hợp nước sông Rin dâng cao ngập cầu không thể đi lại, học sinh phải nghỉ học.

Trước đây, học sinh ở thôn Gò Rộc thường học ở điểm trường xã Sơn Hải. Việc học không đúng tuyến, khiến trường học ở Sơn Hải quá tải. Trong khi đó, số lượng học sinh tại điểm trường chính ở Sơn Trung lại ít, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng, dạy và học không bảo đảm. Nhưng để đi học đúng tuyến, các em ở thôn Gò Rộc và Tà Màu lại gặp nhiều khó khăn.

Khổ nhất là những hộ già yếu, neo đơn được nhận tiền hỗ trợ, nhưng vì đường xa không thể đi nhận, nên phải thuê hoặc nhờ xe người khác, vừa tốn kém vừa bất tiện. “Nhiều khó khăn lắm! Mình là trưởng thôn, đi họp xa cũng không vất vả bằng các hộ gia đình chính sách thương binh, bệnh binh hay người dân muốn đến UBND xã chứng các loại giấy tờ. Nhiều người lớn tuổi không thể đi xe máy, nên phải đi bộ rất xa. Những lần nhận quà hỗ trợ, vì tôi có xe máy muốn giúp bà con phải chạy qua chạy lại nhiều lần mới chở hết được”, ông Đinh Văn Kin, trưởng thôn Gò Rộc cho hay.

Nhiều năm mong một cây cầu

Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung Lê Ngọc Trang, trăn trở: Thôn Tà Màu gần với thị trấn Di Lăng, thôn Gò Rộc gần xã Sơn Hải cùng nằm trên một tuyến đường. Tuy nhiên, từ khi tách xã, để bảo đảm dân số cho xã Sơn Trung, nên dù bị ngăn cách bởi con sông Rin, thôn Gò Rộc và Tà Màu vẫn thuộc xã Sơn Trung. Hai thôn có hơn 380 hộ dân, chiếm hơn 1/3 dân số toàn xã. Toàn xã Sơn Trung có 6 thôn, thì thôn Tà Màu, Gò Rộc bị ngăn cách bên kia sông Rin, khiến việc đi lại, sản xuất của người dân gặp nhiều cách trở, nhất là việc đi học của học sinh.

Kể cả người dân thôn Làng Nà nhà gần bên UBND xã, nhưng đất canh tác lại nằm bên kia sông Rin ở các thôn Tà Màu, Gò Rộc, hằng ngày người dân chỉ còn cách băng sông hay đi vòng đường xa.

Công tác ở địa phương gần 20 năm, ông Trang cho hay, người dân và chính quyền địa phương rất mong mỏi một phương án khả thi, hiệu quả là chiếc cầu treo bắc qua sông Rin, từ bến đò cũ gần UBND xã đến thôn Tà Màu, giúp giảm khoảng cách “tuy gần mà xa”, để người dân đi lại thuận tiện, học sinh đến trường an toàn.         
 

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


.