Mỗi gia đình có một lò đốt rác

03:11, 02/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đây là mô hình mới do UBND xã Bình Mỹ (Bình Sơn) phát động và người dân địa phương đồng tình hưởng ứng. Mô hình này sẽ góp phần nâng cao ý thức giữ vệ sinh tại gia đình, giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường nông thôn và sức chứa tại các bãi rác.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hường, ở thôn Phước Tích, thường tập trung rác thải lại ở khoảnh đất trống sau vườn rồi đốt. Song cách làm trên chỉ có thể áp dụng vào mùa nắng, còn mùa mưa thì đành chịu, nên rất bất tiện. Vì vậy, khi nghe khu dân cư họp triển khai mô hình xây dựng lò xử lý rác thải tại nhà, bà Hường hưởng ứng ngay.

 

Mô hình lò xử lý rác tại nhà.
Mô hình lò xử lý rác tại nhà.


Cùng chung suy nghĩ với bà Hường, chị Lương Thị Anh chia sẻ: Từ ngày có lò đốt rác, việc xử lý rác thải khỏe hơn nhiều! Mỗi lần nấu ăn xong, tôi thu gom rác rồi bỏ vào lò và cứ 2 ngày đốt một lần. Hôm nào trời mưa cũng chẳng sợ, vì rác không bị ướt. Đặc biệt nhờ thiết kế thoáng, nên việc đốt rác  nhanh và dễ cháy hơn, nhất là các loại rác khó cháy.

Theo người dân thì, việc xây dựng lò xử lý rác thải tại nhà khá đơn giản, với chiều rộng 1m và chiều cao 1,5m. Trong đó, khâu quan trọng là phải đổ tấm đanh làm nền thật chắc, để không bị xói mòn và xuống nền khi đốt. Tiếp đến là lót một vỉ sắt cách nền 0,5m để chứa rác. Phần trên cùng, cách vỉ sắt 1m được che một tấm đanh 1,3m, nhằm tránh mưa tạt. Tổng chi phí cho một lò đốt khoảng 1,5 triệu đồng, trong đó người dân bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua vật liệu, còn UBND xã hỗ trợ đá và công xây 400 nghìn đồng/lò.

Là địa phương nằm cách xa các đơn vị xử lý môi trường, nên năm 2016, UBND xã Bình Mỹ cũng đã ra mắt và đưa vào hoạt động đội tự thu gom rác thải. Việc làm này, đã góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo địa phương thì về lâu dài, giải pháp này vẫn không mang tính bền vững vì chưa tạo được sự thống nhất giữa các hộ “rác ít, rác nhiều”. Đặc biệt, mặc dù xã có bãi tập trung để xử lý rác bằng cách đốt, nhưng chỉ áp dụng được mùa nắng, còn mùa mưa đành chịu.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ Đào Thị Thu Vân cho biết: “Sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình tại tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo xã Bình Mỹ thấy mô hình “Lò xử lý rác thải tại nhà” tuy đơn giản, nhưng hiệu quả cao, nên thống nhất triển khai cho người dân trên địa bàn xã. Để thuận lợi cho việc triển khai, UBND xã đã chọn thôn Phước Tích làm điểm, với khoảng 50 – 60 hộ. Đồng thời, ngân sách địa phương hỗ trợ đá và công xây 400 nghìn đồng/lò, nên người dân đồng tình hưởng ứng. Trên tinh thần mỗi gia đình có một lò đốt rác, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra các thôn khác, góp phần đảm bảo tiêu chí về môi trường trên địa bàn xã”.

Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.