"Bác sĩ" máy ảnh

04:11, 25/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Về quê hành nghề sửa máy ảnh chưa đầy 4 tháng, nhưng chàng thanh niên Lê Tân (31 tuổi), quê ở thị trấn Mộ Đức đã được nhiều người mệnh danh là “bác sĩ” của máy ảnh. Không chỉ có tay nghề cao, mà anh còn rất có trách nhiệm với công việc của mình.

Sau khi đăng tải dòng trạng thái “nhờ người sửa máy ảnh” trên mạng xã hội, tôi nhận được rất nhiều lời giới thiệu của anh em, bạn bè về thợ sửa máy ảnh Lê Tân, tại đường Phan Chu Trinh (TP. Quảng Ngãi). Sau khi tiếp xúc mới biết anh Tân từng là một thợ sửa máy ảnh chuyên nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh, các thao tác sửa chữa của anh rất thuần thục và đầy kinh nghiệm. Tân chia sẻ, anh đến với nghề khá tình cờ, nhưng cũng là cái duyên khiến anh gắn bó và theo đuổi đến tận bây giờ.

 

 Chỉ mới về quê hơn 3 tháng, nhưng Lê Tân - một thợ sửa máy ảnh đã được đông đảo anh em
Chỉ mới về quê hơn 3 tháng, nhưng Lê Tân - một thợ sửa máy ảnh đã được đông đảo anh em "cầm máy" biết đến.


"Trước đây tôi từng là thợ máy tàu, điện lạnh, ống thông gió, nhưng công việc lúc ấy chỉ là tạm thời để trang trải cuộc sống. Làm việc ở TP.Hồ Chí Minh được vài năm, thấy mình cần cù, chịu khó và tính cách tỉ mỉ nên một người bạn gợi ý hướng tôi đến với công việc sửa máy ảnh. Thấy nghề này cũng hay, phù hợp với tính cách của mình, nên tôi quyết định tìm hiểu và theo học. Sau mấy tháng học lõm từ một người chuyên nghề sửa máy ảnh, hầu hết cách tháo, lắp mình đều thực hiện được. Nghề này cứ tưởng dễ, nhưng thật sự rất khó”, Tân tâm sự.
 

"Đã theo đuổi nghề sửa chữa máy ảnh, theo mình thì phải giữ “y đức” mới có thể sống được với nghề và được mọi người tin tưởng, quý trọng”.
Thợ sửa máy ảnh LÊ TÂN

Nghề sửa máy ảnh không đơn giản như những nghề khác. Khi bước vào học nghề, đầu tiên người thợ phải học những thao tác tháo lắp máy ảnh. Sau khi đã thuần thục các thao tác này, mới được học đến nguyên tắc hoạt động của máy ảnh và “bắt bệnh” của máy để sửa. Sau cả năm ròng rã theo học nghề cùng với sự hướng dẫn tận tình của anh em, bạn bè, dần dà anh Tân trở thành một thợ sửa máy ảnh chuyên nghiệp và được nhiều người biết đến. Từ đó, anh nhận được sự tin tưởng của đông đảo khách hàng ở khắp mọi nơi.

Trong căn phòng chưa đến 10m2 tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh có đến hàng trăm chiếc máy ảnh của khách hàng đang chờ được “chữa bệnh”. Tân nói: “Khi quyết định về quê, mình đã nhờ anh em, bạn bè tìm hiểu và được biết ở quê bây giờ cũng có rất nhiều người chơi máy ảnh. Nhưng mỗi lần hư hỏng, ẩm mốc họ lại lặn lội vào TP.Hồ Chí Minh hay gửi ra Đà Nẵng để sửa. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên mình khăn gói về quê để vừa giúp đỡ mọi người, vừa khởi nghiệp. Mới làm việc có hơn 3 tháng, nhưng rất nhiều khách hàng đến tìm hiểu và nhờ sửa máy. Hầu hết, khách hàng đều là những người chơi máy ảnh chuyên nghiệp”.

Với Lê Tân, nghề sửa máy ảnh cũng như bao nghề khác, nhưng cái cốt yếu là phải có “tâm” thì mới trụ được với nghề và làm hài lòng khách hàng. “Khi sửa máy cho khách, những bệnh như rễ tre, ẩm mốc, bụi bặm mình chỉ tháo ra vệ sinh và không lấy phí. Còn những "bệnh" nặng, cần thay phụ kiện thì mình trao đổi với khách hàng, nếu họ đồng ý mình mới sửa. Cái quan trọng của nghề này là phải hết sức tỉ mỉ để “bắt” đúng bệnh, nếu cẩu thả có thể phá hư máy của khách hàng. Đã theo đuổi nghề sửa chữa máy ảnh, theo mình thì phải giữ “y đức” mới có thể sống được với nghề và được mọi người tin tưởng, quý trọng”, Tân bộc bạch.


Bài, ảnh: MẠNH KHOA

 


.