Tư vấn pháp luật

09:11, 27/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Nguyễn Cung (huyện Trà Bồng) hỏi: Năm 1975, cha mẹ tôi có mua một căn nhà. Cha mẹ tôi có 4 người con. Cha tôi mất năm 1990 và mẹ tôi mất 2008 không để lại di chúc. Hiện tại có một anh trai và một chị gái đang sinh sống tại căn nhà trên. Hiện nay, các anh chị em tôi muốn làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất tại căn nhà trên thì phải làm như thế nào và làm tại đâu?

 Trả lời:


Trước hết, các anh chị em của ông phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật đối với ngôi nhà là di sản do cha mẹ ông để lại, sau đó làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu tại cơ quan đăng ký nhà đất.

Do bố mẹ ông không để lại di chúc, nên di sản được chia cho người thừa kế theo pháp luật, được xác định theo Điểm a, Khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”,  trong đó có 4 anh chị em của bạn.

Về thẩm quyền: Gia đình bạn có thể đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có nhà để lập văn bản khai nhận di sản thừa kế quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Hồ sơ gồm: Phiếu yêu cầu (công chứng) chứng thực theo mẫu; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bố mẹ bạn; giấy chứng tử của bố mẹ bạn; giấy tờ tùy thân của các thừa kế; những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh, giấy kết hôn...).

Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, UBND cấp xã (hoặc tổ chức công chứng sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì) sẽ chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Các đồng thừa kế có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014.

Sau khi công chứng (chứng thực) văn bản thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai  nơi có đất.

Luật gia LAN ANH
 


.