Chỉ vì một lối đi...

01:09, 26/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vâng, chỉ vì một lối đi mà anh em ruột thịt tan đàn xẻ nghé. Bảy người trong hai gia đình đã phải nhập viện vì bị thương do đánh nhau, sau khi có sự can thiệp của cảnh sát cơ động. Chuyện đau lòng này vừa mới xảy ra ở một xã phía đông TP.Quảng Ngãi.

Hai anh em trai nọ được cha mẹ cho mỗi người một mảnh đất trong vườn. Người em làm nhà ở phía trước, người anh vào TP. Hồ Chí Minh sinh kế. Mới đây, người anh trở về và định làm nhà trên mảnh đất của mình ở phía sau. Kẹt nỗi, lối đi ra phía mặt đường đã bị người em bít mất. Hai bên cự cãi nhiều lần, vì ai cũng đưa ra lý lẽ của mình về cái lối đi ấy.

Lời qua tiếng lại đã lâu, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần mời hai anh em nọ ngồi lại với nhau để hòa giải. Thế nhưng, cuối cùng như mọi người đã biết, một lối đi thôi mà phải đổ máu đến 7 người sau những lần hòa giải bất thành. Nếu không có sự can thiệp của cảnh sát cơ động, không biết hậu quả sẽ như thế nào nữa.

Họ không còn trẻ nữa để mà đổ lỗi cho sự nông nổi. Họ cũng không phải sinh sống nơi thâm sơn cùng cốc và không được học hành để mà trách họ do nhận thức sai trái về luật pháp và không thấu hiểu lẽ đời. Họ là những công dân sống ở thành phố, đã trên dưới 60 tuổi, cái tuổi không cho phép để xảy ra những sai lầm đáng trách như vậy.

Đất mỗi ngày mỗi chật vì người ngày một đông hơn. Vì vậy, chuyện tranh giành nhau từng mét đất dẫn đến từ mặt nhau vẫn thường xảy ra, nhưng là đối với “người dưng nước lã”, chứ anh em ruột thịt như trường hợp vừa kể trên đây thì quả là hiếm hoi. Ông bà nói rồi, một giọt máu đào hơn ao nước lã kia mà. Như mọi người đã biết, đây đó vẫn còn nhiều tấm gương về sự cưu mang đùm bọc của anh em khi cha mẹ mất sớm.

Nhiều đứa trẻ buộc phải từ biệt mái trường để đi bán vé số, đi lượm ve chai giúp mẹ nuôi em khôn lớn. Nhiều em học sinh đỗ hai trường đại học buộc phải nghỉ học, để đi phụ hồ kiếm tiền nuôi bằng hết đàn em của mình học xong đại học, rồi mới đến lượt mình. Có người anh đã phải hiến một phần lá gan của mình, để cứu sống em đang bị bệnh hiểm nghèo...

 Còn bao nhiêu tấm gương nói về sự hy sinh vì tình huynh đệ như thế.  Cưu mang đùm bọc nhau mỗi khi gặp hoạn nạn, đó mới là tinh thần của “chị ngã em nâng”, đó mới là truyền thống của dân tộc mình. Anh em trong nhà mà không yêu thương nhau, thì làm sao yêu thương hàng xóm, nói rộng ra là tình yêu Tổ quốc cho được? Một lối đi mà giành nhau đến đổ máu giữa hai anh em thì rất khó để nói về sự hy sinh và trách nhiệm công dân đối với xã hội và đất nước được.

Hy vọng sau những “giọt máu đào” vừa đổ xuống hôm qua, họ sẽ nhận ra những sai lầm cay đắng mà mình vừa nếm trải. Chúng ta cũng hy vọng rằng, chuyện anh em tranh giành nhau một lối đi dẫn đến việc đau lòng ấy cũng chỉ là trường hợp cá biệt mà thôi.
 

TRẦN ĐĂNG
 


.