Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

09:08, 09/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở Quảng Ngãi từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 
Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ
 
Thôn 4, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng (thuộc lưu vực thủy điện Hà Nang)- là một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng ở huyện trong vài năm trở lại đây. Nguyên nhân được nhiều người dân đưa ra là do thiếu đất sản xuất, không có kế sinh nhai nên phải triệt phá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất, chặt củi bán kiếm tiền. 
 
Tuy nhiên, từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (CTDVMTR) được triển khai ở địa phương, các hộ dân dần ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng. Toàn thôn hiện nay có 19 nhóm hộ tham gia nhận khoán và được hưởng kinh phí từ chính sách này. 
 
Biết được trách nhiệm của việc bảo vệ rừng là bảo vệ quyền lợi của chính mình, cứ 3- 5 ngày lại có một nhóm gồm 5 người thay phiên nhau kiểm tra rừng, phát đường băng cản lửa, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật và báo ngay cho chủ rừng. Nhiều hộ trong thôn còn tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
 
Người dân thôn 4, xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng ở các cánh rừng nằm dọc dòng thủy điện.
Người dân thôn 4, xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng ở các cánh rừng nằm dọc lưu vực thủy điện Hà Nang.
 
Người dân đã động viên nhau dù có nghèo đói cũng không chạm đến rừng phòng hộ đầu nguồn, để màu xanh của đại ngàn vĩnh viễn hiện diện tại nơi họ sinh sống, đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.
 
Ông Hồ Văn Thảo- Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn 4, phấn khởi nói: “Năm 2015, mỗi hộ trong thôn được chi trả trên 7 triệu đồng từ CTDVMTR. Ai cũng vui cả! Bà con trong thôn nhận thấy, rừng có phát triển thì Nhà nước mới hỗ trợ tiền”.
 
Có tiền CTDVMTR, cuộc sống gia đình của người dân dần ổn định hơn. Với số tiền từ trồng rừng và dịch vụ môi trường rừng mang lại, nhiều người đã có điều kiện mua sắm thêm vật dụng sinh hoạt, phụ nuôi con ăn học.
 
“Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào, đồng bào biết ơn lắm. Nhờ rừng mà gia đình mình đỡ khổ, mình hứa với nhà nước sẽ giữ gìn rừng cẩn thận, không để mất đi đâu”, anh Hồ Văn Vinh- thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn 4 khẳng khái nói.
 
Nhờ có sự tham gia bảo vệ rừng của các hộ dân, những vạt rừng quanh lưu vực thủy điện Nước Trong luôn bạt ngàn một màu xanh.
Nhờ có sự tham gia bảo vệ rừng của các hộ dân, những vạt rừng quanh lưu vực thủy điện Nước Trong luôn bạt ngàn một màu xanh.
 
Năm 2015, huyện Trà Bồng được giao khoán hơn 3.000ha tại ba lưu vực thủy điện: Hà Nang, Cà Đú và Nước Trong, tập trung ở ba xã Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi với 71 hộ, nhóm tham gia.
 
Theo đánh giá, hiện nay, Trà Bồng là điểm sáng nhất ở tỉnh ta trong việc chi trả tiền cho người dân từ chính sách này, với mức chi trả thấp nhất khoảng hơn 140 nghìn/ha đến hơn 1,3 triệu/ha, trung bình khoảng 470nghìn/ha.
 
Theo ông Đỗ Khắc Phi- Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng, đây là chính sách khá mới mẻ nên thời gian qua, Ban quản lý đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và thực hiện có hiệu quả. Cùng với đó, huyện cố gắng chi trả tiền dịch vụ đúng hạn để bà con yên tâm, khích lệ phong trào giữ rừng trong toàn dân. Mỗi năm sẽ chia làm hai đợt chi trả, đợt 1 là 30% và đợt 2 là 70%”.
 
Đã chi trả hơn 3,6 tỷ đồng
 
Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, năm 2015, tỉnh đã phê duyệt 6 đề án CTDVMTR, thuộc các lưu vực thủy điện: Nước Trong, Cà Đú, Sông Riềng, Hà Nang, Định Bình và Đắkđrinh, với diện tích được quy hoạch là trên 35.000ha đất lâm nghiệp. 
 
Người dân vui mừng khi được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách CTDVMTR.
Người dân vui mừng khi được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách CTDVMTR.
 
Trong đó, diện tích đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng là gần 19.000ha, thuộc phạm vi quản lý của 165 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và 1 chủ rừng là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp. Quỹ cũng đã chi trả cho các chủ rừng với số tiền lên tới hơn 3,6 tỷ đồng. 
 
Ông Nguyễn Khánh Ngọc- Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, đánh giá: “Chính sách CTDVMTR là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, trọng tâm là 3 vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế và xã hội.
 
Chính sách này, trước hết đã giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt. Người dân lại có thêm kế sinh nhai lâu dài…”, ông Ngọc cho biết thêm. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.