Chính quyền "gặp" dân trên mạng

09:08, 29/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, việc tiếp dân đã được quy định tại Luật Tiếp công dân. Tuy nhiên, trong xu thế xây dựng chính quyền điện tử, quá trình giao tiếp giữa chính quyền với người dân ngày càng thuận lợi hơn, nhờ hệ thống mạng internet.  

Dân hỏi, trang tin điện tử “trả lời”

Bà Lê Thị Kim Dinh (48 tuổi) có hộ khẩu thường trú ở TP.Quảng Ngãi, hiện đang công tác tại tỉnh An Giang có nhu cầu làm lại giấy khai sinh do bị mất. Trước đây, trường hợp của bà Dinh thì phải lên UBND phường - nơi đăng ký hộ khẩu để hỏi, cán bộ hướng dẫn, phải đi lại nhiều lần, nhưng nay bà Dinh chỉ cần dùng máy tính hoặc điện thoại di động gửi câu hỏi vào mục “Hỏi - Đáp” của Sở Tư pháp, thì nhanh chóng nhận được hướng dẫn chi tiết về những thủ tục cơ bản khi làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho bà.

Nội dung câu hỏi của ông Bùi Tấn Đủ và câu trả lời của Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Nội dung câu hỏi của ông Bùi Tấn Đủ và câu trả lời của Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh.


Tương tự, bà H. ở đường Nguyễn Trãi (TP.Quảng Ngãi) nêu câu hỏi, công ty bà có ký hợp đồng kinh tế với công ty A để nhận thi công hạng mục khoan phá đá nổ mìn. Vì công ty A không thực hiện như cam kết, công ty bà muốn khởi kiện công ty A ra tòa, thì thủ tục như thế nào? Ngay sau đó, thông qua trang tin điện tử của Sở Tư pháp, bà H. được một luật gia đang công tác tại Sở Tư pháp nêu các quy định của pháp luật và hướng dẫn chi tiết từng nội dung câu hỏi của bà.

 Còn ông Bùi Tấn Đủ gửi câu hỏi về Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh (www.quangngai.gov.vn) hỏi thủ tục cho thuê đất và các văn bản pháp luật liên quan. Ngay sau đó ông nhận được thư trả lời. Đây chỉ là số ít trong số hàng trăm câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực được người dân gửi về Cổng thông tin điện tử tỉnh, để mong được giải đáp cặn kẽ. Theo thống kê của Trung tâm Công báo và Tin học (UBND tỉnh), mỗi tháng có khoảng 30 câu hỏi được gửi đến Cổng thông tin điện tử tỉnh và được trả lời. Điều đó cho thấy sự tiện ích trong việc giao tiếp qua cổng thông tin điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

 Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, mô hình chính quyền điện tử được UBND tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện nay, không chỉ Văn phòng UBND tỉnh, mà các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh đều xây dựng các trang tin điện tử. Trên giao diện các trang thông tin điện tử đều công khai địa chỉ email khi công dân cần liên hệ; xây dựng các mục: Hỏi - đáp, đối thoại, trả lời phản ánh, đơn thư của người dân... Cổng thông tin điện tử và email đã trở thành kênh thông tin quan trọng cho công tác tiếp dân và trả lời thắc mắc của người dân.
 
Luật hóa việc tiếp dân qua mạng

 Việc tiếp, đối thoại giữa cán bộ, chính quyền với dân qua mạng là một cách làm mới trong công tác tiếp dân, giúp các cơ quan quản lý nhà nước trả lời, làm rõ nhiều thắc mắc, khiếu nại của người dân. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Minh Hòa, thông qua Trang thông tin điện tử và email của Sở Tư pháp, cán bộ, công chức của sở đã nhanh chóng trả lời, tư vấn cho nhiều người dân. Người dân nhận được câu trả lời mà không phải trực tiếp đến sở, không chỉ giảm gánh nặng cho việc tiếp dân ở sở, giảm phiền hà cho người dân. Nhờ sự tiện ích này mà số lượng người dân liên hệ, giao dịch với sở thông qua mạng ngày càng tăng.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng người dân yêu cầu trả lời, nhưng chưa trình bày đầy đủ, rõ ràng và thường thiếu tài liệu, nên việc trả lời, giải đáp chưa đáp ứng hết yêu cầu, mong muốn của người dân. Để khắc phục điều này, cần phải có sự nỗ lực từ cán bộ phụ trách công tác tiếp, trả lời thư điện tử cho công dân. Ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, về phương diện pháp lý, Luật Tiếp công dân hiện hành chỉ mới quy định về người tiếp công dân và trụ sở tiếp công dân, chứ chưa quy định việc tiếp công dân qua mạng. Chính vì thế, tính hiệu lực của việc tiếp và trả lời công dân qua mạng chỉ mới dừng ở mức tham khảo.  Do đó, trong thời gian đến, việc tiếp công dân qua mạng cần đề cập trong các quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.