Heo đất của cán bộ vùng cao

10:04, 24/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng là quyên góp nuôi heo đất để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng cách làm của những cán bộ, viên chức ở huyện Tây Trà thì có phần đặc biệt và thú vị, vừa mang lại hiệu quả thiết thực, vừa có ý nghĩa giáo dục cao.

Trong chuyến công tác ở huyện Tây Trà mới đây, tôi tình cờ chứng kiến cách góp tiền thành lập quỹ khuyến học của cán bộ, viên chức một số phòng, ban thuộc UBND huyện rất hay. Cùng với tài liệu, văn phòng phẩm trên những chiếc bàn làm việc còn có một chú heo đất nhỏ. Tất nhiên, với sự xuất hiện chú heo đất dễ thương ở nơi làm việc, khiến những người khách như tôi lấy làm lạ. Tôi được cán bộ ở đây giải thích, đó là cách để nhắc nhở anh em biết tiết kiệm để góp phần làm việc ý nghĩa, giúp đỡ những học sinh nghèo.

 

Anh Đặng Bá Liên, tác giả của mô hình nuôi heo đất khuyến học tại Tây Trà.
Anh Đặng Bá Liên, tác giả của mô hình nuôi heo đất khuyến học tại Tây Trà.

 

 “Qua việc góp quỹ giúp đỡ các em học sinh nghèo, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp là  nhắc nhở anh em cán bộ, viên chức trong cơ quan có ý thức tiết kiệm, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan còn phải làm một việc gì đó thật sự có ý nghĩa với con em đồng bào vùng cao này. Đó là lý do mà chúng tôi để con heo đất trước bàn làm việc. Đây cũng là cách mà chúng tôi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Anh Đặng Bá Liên

Anh Đặng Bá Liên - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, chi nhánh Tây Trà, tác giả của mô hình này, kể: Khoảng đầu năm 2014, trong cuộc trò chuyện, tôi nghe có 2 em học sinh địa phương, một đi học đại học, một học cao đẳng phải bỏ học về quê, vì gia đình quá khó khăn. Thấy đó là thiệt thòi lớn của con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây. Bởi được vào đại học đối với con em đồng bào ở địa phương là rất khó khăn. Trong khi đã có cơ hội mà giấc mơ các em không thực hiện được là rất đáng tiếc. Vì thế, tôi nghĩ ra việc nuôi heo đất tiết kiệm trong hoàn cảnh ấy, cùng vận động anh em trong cơ quan góp chút tiền để tặng những em học sinh ở xã có hoàn cảnh khó khăn để động viên các em.

Chị Liên, người tích cực góp quỹ cho heo đất, bộc bạch: Phần lớn anh em công tác ở huyện đều xa nhà, thu nhập cũng không dư dả, nhưng khi phát động phong trào này anh em đều nhất trí và hưởng ứng. Việc quyên góp trên tinh thần tự nguyện. Ngoài ra, anh em trong cơ quan tự đề ra quy ước, khi cá nhân hoặc tập thể nào được nhận tiền thưởng thì trích 10% góp vào heo đất.

Đến nay, trên địa bàn huyện Tây Trà đã có thêm Ban Quản lý các dự án đầu tư, Phòng Kinh tế hạ tầng và Phòng GD&ĐT huyện cùng tham gia mô hình nuôi heo đất. Để có sự kết nối giữa các đơn vị tham gia, tạo phong trào hiệu quả hơn, năm 2016, những người quản lý quỹ này tổ chức đăng ký thành viên. Hiện đã có 16 thành viên tích cực vận động mọi người tham gia góp quỹ cho heo đất. Riêng mỗi thành viên phải góp 100.000 đồng/quý. Việc kiểm tra nguồn đóng góp được trao đổi qua họp thư điện tử giữa các thành viên vào dịp đập heo đất. Sau đó, anh em thành viên cùng bàn bạc chọn đối tượng để hỗ trợ.

Anh Đặng Bá Liên cho biết thêm, từ khi “nuôi heo đất" đến nay, nguồn quỹ thu được hơn 5 triệu đồng. Với số tiền trên, chúng tôi nhận hỗ trợ 2 trường hợp đang học đại học và trung cấp, mỗi tháng 100.000 đồng/em. Ngoài ra, chúng tôi còn trích nguồn quỹ này để khen thưởng, động viên các cháu học giỏi là con em của cán bộ trong cơ quan. Vì nguồn quỹ còn hạn chế nên chúng tôi chưa thể mở rộng đối tượng để giúp đỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục quyên góp để có một nguồn quỹ khá hơn.              

       
Bài, ảnh: X.THIÊN



 


.