Nỗi lo ở Long Nam khi mùa mưa đến

01:11, 11/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách con đường Mỹ Trà – Mỹ Khê khoảng chừng 100m, nhưng cuộc sống của gần 40 hộ dân ở KDC Long Nam, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu mỗi mùa mưa bão về.

Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính đã chỉ đạo: UBND thành phố nhanh chóng khảo sát, lên phương án di dời các hộ dân này; xây dựng phương án chống sạt lở. Nếu thiếu kinh phí thì xin tỉnh hỗ trợ và các nguồn vốn khác, không để tình trạng này kéo dài gây nguy hiểm cho người dân.
Chưa đầy 10 phút đi xe máy, nhưng chúng tôi gần như nín thở khi di chuyển trên chiếc cầu tre gập ghềnh, ọp ẹp. Nhiều thanh tre gần như đã mục nát, hư hỏng nhiều đoạn, thực sự là nỗi lo  của nhiều người khi đặt chân đến đây. Bởi chỉ cần sơ ý một tí là có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Nhiều học sinh THCS ở đây cho biết, trời nắng thì mới tự đi học, chứ trời mưa là phải chờ bố mẹ qua dắt về.
 
Người dân ở đây cho biết, mọi năm cứ vào khoảng tháng 10 dương lịch, cây cầu độc đạo này không còn trụ bám nữa vì quá nguy hiểm. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết bất thường, cuối tháng 10 nhưng bão lũ chưa nhiều, nên mặc dù TP. Quảng Ngãi đã chỉ đạo dỡ bỏ chiếc cầu tạm này, song người dân ở đây vẫn còn luyến tiếc, chờ khi có mưa to, gió lớn mới tháo dỡ.
Cây cầu bắc qua sông dẫn vào khu dân cư Long Nam.
Cây cầu bắc qua sông dẫn vào khu dân cư Long Nam.

Là người dân sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, gắn bó gần cả cuộc đời ở đây nên khi có chủ trương di dời, ông Cao Thìn tỏ ra luyến tiếc. Ông cho biết, vùng đất Nam Long vào mùa nắng là vùng quê hết sức thanh bình, mát mẻ, trong lành, thế nhưng vào mùa mưa nơi đây bị chia cắt như ốc đảo. Nước ngập tứ bề, có năm nước ngập hơn nửa nhà. Bà con ở đây phải dự trữ lương thực cả tháng trời nếu không sẽ thiếu cái ăn, vì nước lũ bao vây. Tội nhất là các em học sinh, cứ vào mùa mưa, nhất là khi nghe mực nước sông ở mức báo động 2,  báo động 3 là  phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân nơi đây đến nơi ở an toàn và đã có nhiều hộ đến ở, làm nhà cửa ổn định cuộc sống mới. Nhưng hiện giờ vẫn còn gần 40 hộ  dân chưa có chỗ ở ổn định, vì thiếu đất tái định cư.

Nằm ven sông Trà nên phần lớn người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ven sông và trồng rau màu. Do vậy, cùng với việc tái định cư, người dân cũng mong muốn được sống bằng nghề sông nước đã gắn bó từ trước đến nay.
 
Ông Huỳnh Lộc ở khu dân cư Long Nam bộc bạch: Dân ở đây vào mùa nắng thì làm nghề sông, mùa mưa thì làm các nghề phụ. Như gia đình tôi thời gian này thì đan lát, làm nong, làm rổ bán ở chợ cũng đủ sống, nhưng không yên tâm bằng có nơi ở an toàn. Mưa bão đến rồi nên ai cũng thấp thỏm, lo âu vì thời tiết bây giờ diễn biến phức tạp quá. Vì mưa thì dân di chuyển bằng ghe chứ không ai dám qua cầu, nhưng cũng không mấy ai dám đi vì nước trên thượng nguồn về, chảy mạnh càng nguy hiểm hơn. Có nơi ở ổn định, an toàn ai cũng mừng, nhưng để cuộc sống đảm bảo thì người dân phải lao động, mà dân chúng tôi xưa nay chỉ biết sống nhờ sông nước, làm nghề chài lưới trên sông. Do đó, chúng tôi rất mong khi đến nơi ở mới làm thế nào để có điều kiện tiếp tục giữ nghề đánh bắt ven sông.
  

Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.