Chuyện sử dụng điện ở Làng Doi

06:09, 14/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách trung tâm xã Sơn Ba (Sơn Hà) chừng hơn 1,5km nhưng 34 hộ dân ở xóm Làng Doi, thôn Làng Bung vẫn phải kéo dây dùng “ké” điện với những hộ khác. Và với cách dùng điện của người dân nơi đây đang tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Nối dây để dùng “ké”

Theo ông Đinh Văn Rừng – Trưởng thôn Làng Bung, từ trước đến nay nhiều hộ dân của xóm Làng Doi phải chịu cảnh dùng điện “ké” với các hộ khác. Vì trụ điện chính nằm tận bên kia sông Re nên người dân không đủ điều kiện dựng trụ điện kéo dây. Muốn có điện thì họ phải nhờ nhà đã có công tơ rồi mua dây kéo về dùng. Tuy nhiên, kéo từ công tơ chính về nhà cũng mất chừng 400 – 500m. Hộ nào xa quá, không có tiền mua dây thì giờ vẫn còn thắp đèn dầu.

Tại xóm Làng Doi dây điện chằng chịt. Nó được kéo từ nhà này đến nhà khác và không đảm bảo an toàn. Ông Đinh Văn Rừng cho biết: “Thường thì một nhà có công tơ sẽ cho năm, bảy nhà khác nối dây để kéo điện về dùng chung. Trước khi kéo điện về nhà mình phải thỏa thuận với các chủ hộ rồi tới tháng cùng hùn tiền trả tiền điện cho điện lực. Còn anh Đinh Văn Lượt ở Làng Doi cho hay: “Nhà tôi phải tốn hơn 5 triệu đồng mua dây để kéo điện về dùng, vừa tốn kém, vừa nguy hiểm. Rồi tới tháng, những nhà dùng chung điện dựa vào hóa đơn mà chia ra đóng tiền. Ai dùng ti vi, máy hát, nấu cơm bằng điện thì phải đóng tiền nhiều. Còn ai dùng ít thì đóng ít chứ không phải chia đều. Tháng nào tôi cũng phải đóng ít nhất là 90.000 đồng, nhưng điện thì yếu lắm!”.

Cột điện chưa có, nên người dân phải dùng cây sào bằng tre, nứa để làm trụ điện.
Cột điện chưa có, nên người dân phải dùng cây sào bằng tre, nứa để làm trụ điện.


Không những thiếu nguồn điện sinh hoạt, mà việc nối dây, kéo điện về nhà của bà con ở đây còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm khi cột điện, trụ điện chỉ đơn thuần là những cây sào bằng tre, bằng nứa hay quấn tạm bợ vào cây keo ven đường. Theo ông Rừng thì mới đây, ông Đinh Văn K’Lúp vì chủ quan, không cẩn thận nên bị điện giật phải đưa đi cấp cứu. Ông  Rừng cho biết thêm: “Mình dùng điện là dùng ké, không an toàn. Vì mình không có tên trong danh sách dùng điện nên phải chịu thiệt. Trụ điện làm bằng tre, nứa hay quấn tạm vào mấy cây ven đường. Trời mưa, các dây điện nằm sát mặt đất, lỡ có mối hở, chập điện thì rất nguy hiểm”.

Lý giải việc “thiếu” điện

Trao đổi về vấn đề dân Làng Doi đến nay không có điện sinh hoạt, ông Đinh Xuân Dũng – Chủ tịch UBND xã Sơn Ba cho biết: “Ở Sơn Ba gần như 100% hộ dân đã có điện. Tuy nhiên ở một số nơi, người sử dụng điện vẫn chưa đảm bảo theo các quy định nên mới dẫn tới tình trạng như trên. Sơn Ba là một xã nghèo, nhiều vấn đề khác cũng rất cần thiết nên chính  quyền xã sẽ xem xét và giải quyết lần lượt các vấn đề đó theo từng năm, chứ giải quyết cùng lúc thì rất khó”.

Ông Đoàn Yên – Giám đốc Điện lực Sơn Hà cho biết: “Thông tin 34 hộ dân của xóm Làng Doi chưa có điện là không đúng. Bởi mạng lưới điện ở các vùng sâu, các cấp ở địa phương đã đầu tư. Còn vấn đề sử dụng  điện ở xóm Làng Doi là do người dân chưa ý thức được việc sử dụng điện của mình. Vì trụ điện chính ở quá xa, dân sợ tốn  kém nên một hộ có công tơ điện là năm hay bảy hộ khác xin nối dây dùng chung để khỏi tốn tiền. Ngành điện đã đầu tư công tơ điện cho bà con và yêu cầu mỗi hộ phải dùng một công tơ riêng để vừa đảm bảo chất lượng điện áp, vừa đảm bảo việc sử dụng công bằng giữa các hộ dân với nhau. Nhưng ở Làng Doi  chưa có trụ điện, chưa có đường dây nên người dân không thực hiện đúng những gì ngành điện yêu cầu”.

 Hiện nay, ngoài xóm Làng Doi của thôn Làng Bung thì người dân thôn Làng Chay của xã Sơn Ba cũng đang trong tình cảnh khó khăn về sử dụng điện. Dù có điện hay chưa có điện ở một số hộ dân ở thôn Làng Bung, Làng Chay thì tình trạng kéo điện “dùng ké” vẫn là thực trạng đáng quan tâm. Bởi đây không chỉ đơn thuần là việc sử dụng điện để thắp sáng, phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà nó còn cần đảm bảo an toàn, nhất là ý thức trong  việc dùng điện của đồng bào chưa cao. Vì thế, các cấp chính quyền cần quan tâm tuyên truyền và hỗ trợ, giúp đỡ người dân để họ có nguồn điện an toàn, đảm bảo phục vụ cho cuộc sống.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.