Thu phí đường bộ đối với xe máy nên tạm dừng?

10:08, 26/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù chỉ tiêu đưa ra để thu phí xe máy của tỉnh mỗi năm khoảng 49 tỷ đồng/500 nghìn đầu phương tiện. Tuy nhiên, qua ba năm triển khai việc thu phí, toàn tỉnh thu chưa đến 15 tỷ đồng. Một con số quá thấp so với chỉ tiêu đặt ra.

Gần 3 năm thu phí đạt hơn 10% kế hoạch
    
Trong khi các ngành chức năng liên tục thúc ép đơn vị quản lý chung về thu phí này là Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, thì người dân lại hờ hững và không mặn mà thực hiện. Đồng thời, một số địa phương kiến nghị tạm dừng việc thu, khiến cho công tác thu phí đường bộ xe máy của năm 2015 gặp nhiều khó khăn.

Việc thu phí đường bộ đối với xe máy còn quá nhiều bất cập.
Việc thu phí đường bộ đối với xe máy còn quá nhiều bất cập.


 Theo ông Nguyễn Xuân Thảo - Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, đơn vị được tỉnh giao trực tiếp thu và sử dụng số tiền trên thì công tác thu phí dù được triển khai xuống các huyện và công tác tuyên truyền, vận động, làm tờ kê khai… rất lớn nhưng nguồn thu thì chẳng đáng là bao. Trong hai năm 2013 và 2014 toàn tỉnh thu hơn 13,5 tỷ đồng, đạt 14,5% kế hoạch và 7 tháng đầu năm 2015 thu đạt 1,4 tỷ đồng, đạt gần 3% kế hoạch năm. Tính chung trong ba năm toàn tỉnh thu gần 15 tỷ đồng tiền phí đường bộ đối với xe máy.

Cũng theo ông Thảo, nguyên nhân dẫn đến kế hoạch bị “bể” là do các huyện triển khai không quyết liệt, không đồng bộ. Có địa phương thậm chí đến thời điểm này vẫn chưa thống kê xong số lượng đầu phương tiện. Việc thu phí chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của chủ phương tiện. Nhưng người dân lại thiếu tính tự giác đối với nghĩa vụ của mình. “Một nguyên nhân khác nữa là thời gian qua một số tỉnh thành kiến nghị tạm dừng việc thu phí đường bộ đối với xe máy dẫn đến người dân chây ì.

Nên tạm dừng thu phí

Trong khi nhiều địa phương khác lên tiếng đề nghị tạm dừng việc thu phí đường bộ đối với xe máy thì tỉnh ta vẫn triển khai thu. Tuy nhiên, số tiền thu được đến tháng 7 chưa đạt đến 3% kế hoạch năm 2015. Nhiều người dân cho rằng, việc họ mua xe, mua xăng dầu đã đóng phí và đường sá làm ra cũng là tiền thuế của người dân nộp thì tại sao lại phải nộp phí đường bộ đối với xe máy. Do vậy mà nhiều người dân trong suốt hơn hai năm qua vẫn không nộp phí.

Theo ông Nguyễn Xuân Thảo, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng đơn vị vẫn tăng cường chỉ đạo các huyện đẩy mạnh việc thu phí đường bộ đối với xe máy. Thế nhưng tình hình cực kỳ khó và không mấy khả quan. Chính điều này càng làm cho nguy cơ thu phí đường bộ bị “phá sản”.

Mới đây Bộ Tài chính chính thức có kiến nghị đến Chính phủ tạm dừng thu phí đối với xe máy kể từ ngày 1.1.2016. Đồng thời thừa nhận thực tế việc triển khai thu phí đối với xe máy gặp nhiều khó khăn do xe máy là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành. Người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí. Đặc biệt, trường hợp chủ xe là sinh viên, lao động tự do... đăng ký ở địa phương này nhưng mang xe đến địa phương khác sử dụng. Mặt khác, chế tài xử phạt còn hạn chế nên chủ xe không chấp hành nộp phí dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí, hiệu quả thu phí không cao. Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí đối với xe máy.

“Thực tế Chính phủ cho thu phí, nhưng tính khả thi không cao vì không có chế tài xử lý. Do đó, một là nên tạm dừng việc thu phí, hoặc nếu làm thì làm quyết liệt, có chế tài xử phạt hẳn hoi. Tính bình quân nếu việc thu phí được triển khai đồng bộ thì mỗi năm tỉnh thu về không dưới 30 tỷ đồng. Số tiền đủ để làm một con đường nông thôn” - ông Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo, số tiền gần 15 tỷ đồng thu trong thời gian qua, ngoài trích lại 20% cho địa phương thu, số còn lại Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã phân khai sử dụng khoảng 9 tỷ đồng vào việc sửa chữa tuyến ĐH 42 (huyện Đức Phổ); gia cố, sửa chữa một số tuyến đường ở huyện Minh Long hết hơn 4,5 tỷ đồng và sửa chữa tuyến đường ĐH 26C (Sông Vệ - Nghĩa Hiệp) hết gần 3,6 tỷ đồng.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.