Những người lính trên mặt trận mới

10:06, 22/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm tháng chiến tranh, họ dũng cảm khi đối mặt với quân thù. Trong thời bình, họ tiếp tục là  những người lính tiên phong trên mặt trận xoá đói, giảm nghèo. Đó là hai cựu chiến binh (CCB) dám nghĩ, dám làm Phạm Văn Trinh ở xã Bình Chương và Tô Ngọc Lý ở xã Bình Hòa (Bình Sơn).

Tấm lòng rộng mở

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ năm 1979, đến năm 1985 thì giải ngũ, CCB Phạm Văn Trinh mang trên mình 41% thương tật. Trở về quê hương, cũng giống như bao người lính Cụ Hồ, ông Trinh đối mặt với bộn bề những lo toan của cuộc sống. Sau khi lập gia đình, kinh tế chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Cuộc sống khó khăn cứ mãi đeo bám lấy gia đình ông . Nhìn cảnh vợ con phải chịu khổ, ông Trinh càng quyết tâm làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Nghĩ là làm, ông tìm tòi đọc những mô hình kinh tế có hiệu quả trên sách, báo và các phương tiện truyền thông đại chúng và rút ra những kinh nghiệm cho mình.

 

Ông Phạm Văn Trinh bên mô hình vườn - ao - chuồng của mình.
Ông Phạm Văn Trinh bên mô hình vườn - ao - chuồng của mình.


Ông Trinh bắt đầu từ mô hình trồng những loại cây mùa vụ để giải quyết cái đói trước mắt và lấy ngắn nuôi dài. Năm 2009, ông chuyển qua mô hình vườn - ao - chuồng. Trên diện tích 8ha, ông trồng 1ha cây ăn quả, 1ha làm chuồng nuôi bò, nuôi chim bồ câu và 6ha còn lại, ông trồng cây keo. Với  mô hình này, mỗi năm ông có thu nhập trên 300 triệu đồng. Không chỉ vậy, ông Trinh còn tạo nhiều công ăn việc làm, giải quyết lao động thời vụ cho người dân địa phương để có thêm thu nhập. “Mình có của ăn, của để mà hàng xóm mình nghèo rớt mùng tơi thì giàu làm chi. Dân tộc ta có câu: Một miếng khi đói bằng một gói khi no, mình giúp cho bà con cũng là lẽ bình thường”, ông Trinh bộc bạch.

Với tính tình rộng mở, ông Trinh luôn tạo điều kiện cho những ai muốn học hỏi, tham quan mô hình làm kinh tế của mình; tận tình truyền đạt những kinh nghiệm mà ông biết được. Hằng năm, cứ đến dịp lễ, Tết, ông còn dành thời gian đến thăm, tặng quà cho những CCB có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn tìm đến những gia đình có hoàn cảnh thương tâm, nghèo khó để thăm hỏi, tặng quà. Tuy những món quà có giá trị không lớn, nhưng cũng phần nào san sẻ bớt được những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của họ. Giờ đây, ở tuổi 57, khi các con đã lớn và có công việc làm ổn định, ông Trinh vẫn luôn ấp ủ một dự định sẽ mở khu du lịch sinh thái trên chính trang trại của mình, nhằm tạo địa điểm vui chơi, nghỉ ngơi cho người dân trong vùng và khách thập phương, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương Bình Chương.

 Lựa chọn đúng của ông Lý

Cùng tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia từ năm 1979, đến năm 1982 thì xuất ngũ, CCB Tô Ngọc Lý (56 tuổi) trở về địa phương và giữ chức Trưởng Công an xã, rồi Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (Bình Sơn) để tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương. Năm 2009, ông Lý bắt đầu làm kinh tế trang trại với mong muốn khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho gia đình và người dân trong xóm.

Ông Tô Ngọc Lý và trang trại của mình.
Ông Tô Ngọc Lý và trang trại của mình.


Đầu năm 2011, ông Lý về hưu và dồn toàn tâm toàn ý đầu tư công sức vào trang trại của mình. Trên mảnh đất 2,5 ha, ông không trồng những cây dài ngày  mà trồng những cây ngắn ngày, như ớt, cà pháo trắng, dưa,… Ông Lý còn tìm hiểu và lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động rất khoa học, nhằm tiết kiệm công sức và đảm bảo nguồn nước cho cây trồng. Xen canh trong những cây trồng mùa vụ, ông còn trồng cỏ sữa để nuôi bò. Mỗi năm gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng. Cũng từ mô hình này, kinh tế gia đình ông đã khá giả hơn, 4 người  con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Trong vườn, ông còn trồng thêm một ít cây khác như xoài, mận, bưởi, chanh vàng…

Những loại cây ăn quả này ông  không bán mà chỉ để biếu cho khách tới nhà hay bà con láng giềng. Ông Lý tâm sự: “Mô hình kinh tế của mình không phải là lớn, nhưng đó là cả sự cố gắng của gia đình. Tôi muốn chứng minh rằng, không khó khăn nào có thể khuất phục được những người lính cụ Hồ như chúng tôi”.

Hình ảnh những CCB khi trở về đời thường, vẫn phát huy được bản chất người lính bộ đội cụ Hồ trên mặt trận mới, công việc mới, là niềm động viên, là sự thôi thúc những người lính đang tại ngũ, thế hệ trẻ hôm nay có thêm động lực để ra sức lao động, học tập, cống hiến cho quê hương, đất nước ngày một phồn vinh.


Bài, ảnh: Trúc Giang


 


.