Tìm được gia đình sau 39 năm lưu lạc

04:02, 23/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Hai ngày qua, trong căn nhà nhỏ nơi cuối xóm của bà Trần Thị Yến (87 tuổi) ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa lúc nào cũng đông nghẹt bà con lối xóm đến chia vui, mừng đón người con gái là Võ Thị Bê (53 tuổi) trở về sau 39 năm lưu lạc.

Trong bầu không gian xúc động, bà Yến cùng bà con trong tộc họ chuẩn bị tơm tất mâm cúng, run run cầm mấy nén hương thầm báo tổ tiên mừng đứa con gái thất lạc bình yên trở về. Ông Võ Đức Minh (anh trai chị Bê) ngậm ngùi, từ sau ngày em gái thất lạc, cả nhà nháo nhào tìm kiếm khắp nơi. "Cha thì ngược vào Nam tìm em, cuối cùng bệnh nặng mất ở Vũng Tàu. Còn tôi thì gửi hồ sơ gửi đến cơ quan công an nhờ tìm giúp nhưng đều vô vọng. Nghĩ là trong lúc chạy loạn lạc, em gái đã trúng đạn chết rồi nhưng giờ tìm được nó, hy hữu chẳng khác nào chuyện cổ tích", ông Minh thổ lộ.

Lật giở từng trang ký ức buồn, chị Bê còn nhớ như in vào một đêm tháng 3/1975, trong lúc cùng những đứa trẻ trong thôn nắm chặt tay rủ nhau đi xem phim màn ảnh rộng ở sân bãi của làng. "Đang say sưa xem phim thì bất ngờ tiếng súng nổ vang dậy khắp nơi, mọi người bỏ chạy. Trong lúc hoảng loạn, tôi vừa khóc vừa chạy thục mạng trong đêm khuya đến ngất xỉu, khi tỉnh dậy thì thấy trời gần trưa mình nằm ở miền quê nào lạ lắm", chị Bê nhớ lại.
 

Giây phút đoàn tụ của bà Yến với con gái sau 39 năm lưu lạc trở về.
Giây phút đoàn tụ của bà Yến với con gái sau 39 năm lưu lạc trở về.

 

14 tuổi thất lạc gia đình, rời lũy tre làng, chị Bê bơ vơ, lang thang hết nơi này đến nơi khác. Đói, khát thì đi xin ăn, tối về thì ngủ những bên hiên nhà dân hay lều chợ ven đường. "Lúc đầu ngủ đêm ngoài đường, cảm giác sợ hãi tột cùng, lâu ngày riết rồi quen phó mặc cho số phận. Quần áo rách rưới, thiếu ăn nên thời gian ấy tôi đen đúa, gầy nhom chẳng khác nào như que củi", chị Bê mô tả.

Năm 1977, trong lúc kiệt sức nằm ở cống nước ven đường, bà Hai Tiên ở xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn đưa chị về nhà nuôi. "Buổi sáng hôm ấy, tôi dậy đi chợ sớm thì phát hiện bé gái quần áo rách bươm nằm thở thoi thóp trên cống nước trước nhà. Gặng hỏi thì mới biết cháu đi lạc khỏi nhà đã hai năm. Thương quá tôi đưa về sống chung với gia đình khoảng 19 năm thì Bê xin phép lên đường tìm về với mẹ, cha", bà Tiên thuật lại.

Càng lớn lên, Bê càng nhớ nhà, nhớ quê da diết nhưng do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ít học hành, hiểu biết nên chị không biết phải làm thế nào để tìm về quê quán. Xót xa trước cảnh đời éo le của chị Bê, nhiều tiểu thương ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn thường gom góp tiền lúc thì mua tặng chị bộ quần áo, khi thì đôi dép hoặc ít tiền sống qua ngày.

"Nhiều lần thấy Bê ngồi khóc, gặng hỏi mãi thì mới biết bao nhiêu năm chị nhớ gia đình mà không sao tìm về được. Sau khi bàn bạc, tôi và chị Vân đưa chị đến nhà anh Hương bàn cách tìm gia đình giúp chị Bê", chị Quốc, tiểu thương chợ Châu Ổ tâm sự.

Biết chuyện, anh Trần Kim Hương, người hành nghề chạy xe ôm lâu năm ở thị trấn Châu Ổ lần lượt chở chị Bê đến các đài truyền thanh, truyền hình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi nhờ thông báo tìm giúp địa chỉ người thân.

"Nghe chuyện của chị Bê không thể cầm lòng được, suốt từ tháng 6/2013 tôi tình nguyện chở chị Bê đi về các miền quê tìm kiếm người thân. May mắn là ngày 13/2 vừa qua, các cháu của chị xem truyền hình nghe được thông tin nên chị mới may mắn gặp lại được người thân", anh Hương xúc động nói.

Chiều ngày 21/2, cả gia đình bà Yến cùng một số bà con lối xóm quyết định thuê xe ô tô ra thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn để đón chị Bê trở về. "Bao nhiêu năm ngược xuôi vào Nam, ra Bắc tìm con khắp nơi, ở cái tuổi gần đất xa trời, tưởng chừng tuyệt vọng vậy mà giờ đây cả nhà tìm được nó rồi, còn hạnh phúc nào sánh bằng", bà Yến ngồi bên con gái sau 39 năm thất lạc cười mãn nguyện.

Ông Trần Văn An, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp xác nhận, từ lâu chính quyền địa phương từng nhận thông tin trường hợp chị Võ Thị Bê (con bà Yến) mất tích vào năm 1975 thế nhưng mãi đến nay mới tìm thấy được.

"Ngay sau khi chị trở về đoàn tụ gia đình, chúng tôi sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính, pháp luật liên quan để nhập hộ khẩu, hộ tịch, làm giấy chứng minh. Về lâu dài, chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi trồng trọt, chăn nuôi, sớm ổn định, hòa nhập cuộc sống mới cùng gia đình", ông An cho hay.


Minh Thu


.