TP. Quảng Ngãi: "Lá phổi xanh" bị xâm hại

11:10, 24/10/2013
.

(Baoquangngai.vn)- TP. Quảng Ngãi đang có hơn 8.700 cây xanh được trồng và chăm sóc ở nhiều nẻo đường. Tuy nhiên các hành vi chặt hạ, bóc vỏ, đào gốc, đổ chất độc hại vào gốc… thậm chí cả đóng đinh vào thân cây diễn ra phổ biến, đang đe dọa "lá phổi xanh" của thành phố.
 
 
Ngày 18.9, trong khi đang kiểm tra hiện trạng của các cây xanh trên các tuyến đường phố ở TP. Quảng Ngãi, tổ kiểm tra thuộc Xí nghiệp Công viên cây xanh đã phát hiện một cây sao đen vừa mới bị triệt hạ còn trơ thân, phần xi măng mới cứng bao phủ toàn bộ bồn cây trên đường Lê Hoàn.
 
Ông Lê Văn Minh- Tổ trưởng tổ kiểm tra cho biết: Khu vực này thường xuyên có cây bị đốn hạ. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều đem cây khác đến trồng, nhưng không bao lâu thì lại chịu chung số phần như những cây được trồng trước đó. Lần ngày người chặt cố ý bịt xi măng là ngăn không cho chúng tôi trồng nữa.

 

Gốc cây bị chặt và bịt xi măng quanh bồn trên đường Lê Hoàn, TP.Quảng Ngãi
Gốc cây bị chặt và bịt xi măng quanh bồn trên đường Lê Hoàn, TP.Quảng Ngãi.
 
Xung quanh gốc cây vừa bị “sát hại”, còn có 3-4 cây sấu khác đang dần rụi lá, và có dấu hiệu chết khô. Đó là hậu quả của việc các cây xanh phải hứng chịu các loại chất thải, hóa chất, nước sôi trong thời gian dài.
 

Không riêng trên đường Lê Hoàn, nhiều cây xanh ở các tuyến đường lớn như: Quang Trung, Lê Lợi... cũng đang bị “bức tử” theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều trường hợp, người dân đang chặt phá thì bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhưng ngành chức năng vẫn không thể kiểm soát hết khi việc phá hoại cây xanh diễn ra vào đêm tối, lúc ít người qua lại.

Chị Nguyễn Kim Lệ- ngụ phường Lê Hồng Phong cho biết: Ngay trước nhà tôi có một cây sấu đã 4-5 năm tuổi, nhưng cách đây một tháng, cây bị đốn hạ đến trơ gốc chỉ sau một đêm.

 

Cây sấu 4 năm tuổi bị chặt hạ lén lút chỉ còn trơ gốc trên đường Quang Trung
Cây sấu 4 năm tuổi bị chặt hạ lén lút chỉ còn trơ gốc trên đường Quang Trung
 
 
Trong khi người dân và chính quyền đang tích cực trồng và chăm sóc để "lá phổi xanh" trong thành phố ngày càng dày, thì những hành vi chặt phá như vậy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và kinh tế của địa phương. Theo thống kê, trung bình mỗi năm TP. Quảng Ngãi có trên 50 trường hợp cây xanh bị chặt phá, bức tử theo nhiều cách khác nhau. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 44 cây xanh bị sát hại không thương tiếc.
 
Phần lớn tình trạng xâm hại cây xanh còn lại đều có chủ đích. Những trường hợp ra tay sát hại cây xanh thường vì lý do: Cây xanh ảnh hưởng đến lối ra vào, tán cây che mặt tiền kinh doanh, chiếm diện tích buôn bán vỉa hè, hay không tốt về mặt phong thủy... Phải mất rất nhiều năm cây xanh mới phát triển cho bóng mát, nhưng chỉ trong tích tắc, có thể bị đốn hạ chỉ vì những lý do cá nhân.
 
Ông Lê Cao Thanh- Giám đốc Xí nghiệp công viên cây xanh cho biết: Chúng tôi chỉ là đơn vị nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn nên khi phát hiện tình trạng cây bị xâm hại thì phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản.

 

Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng để bảo vệ lá phổi xanh trong lòng thành phố
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng để bảo vệ lá phổi xanh trong lòng thành phố
 
 
“Cái khó nhất của cơ quan quản lý chính là hành vi triệt phá cây thường diễn ra lén lút và ban đêm. Trong khi đó, tổ kiểm tra chỉ có 2 người, không thể quản hết được mọi hành vi chặt phá cây mà phải nhờ sự phối hợp của chính quyền địa phương. Rất mong chính quyền, ngành chức năng tích cực phối hợp, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và có chế tài xử phạt để răn đe các hành vi gây hại đối với cây xanh”- ông Thanh bày tỏ.
 
Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định "xử phạt hành chính trong xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở" vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 10.10. Trong phần xử phạt về vi phạm chiếu sáng và cây xanh đô thị của Nghị định, hành vi gây hại cây xanh có thể bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/11/2013.
 
Nếu ngành chức năng quản lý và xử phạt theo đúng Nghị định đề ra thì người dân sẽ không còn lo ngại việc "lá phổi xanh" của thành phố bị xâm hại. Từ đó, cây xanh có thể phát triển để góp phần đem lại môi trường xanh- sạch- đẹp trong lòng thành phố.
 
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.