Bao giờ Lý Sơn hết cảnh khát điện? Kỳ 2: Tín hiệu vui lại đến

02:05, 28/05/2013
.

(QNg)- Trước việc dừng dự án NMNĐ Lý Sơn, UBND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương đang tích cực nghiên cứu phương án kéo cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới quốc gia ra đảo.

TIN LIÊN QUAN

 

 

Tại Quyết định số 124 ngày 20/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và khu vực mặt biển liền kề đã được xác định nằm trong quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất. Vì vậy, BQL KKT Dung Quất có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc thoả thuận hướng tuyến công trình "cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm" đối với đoạn đi ngầm dưới biển và đoạn đường dây trên không ở đảo Lý Sơn".

 Ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết. 

    PV

Nhà máy nhiệt điện Diesel quá tải     

 Tháng 7/1999, huyện đảo Lý Sơn chính thức có điện thắp sáng và phục vụ một số nhiệm vụ thiết yếu, được cung cấp từ Nhà máy nhiệt điện Diesel Lý Sơn. Từ đó, người dân xã An Hải và An Vĩnh được dùng điện luân phiên, đêm có đêm không, thời gian từ 17g đến 23g. Từ tháng 7/2012 đến nay được cấp điện 6 giờ/đêm và xã nào cũng có điện. Với phương án cấp điện trên, Nhà máy điện Lý Sơn phải chạy hết công suất, không còn nguồn dự phòng. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã quyết định điều chuyển thêm 2 tổ máy SKODA 860kVA ra Lý Sơn để bổ sung nguồn điện dự phòng cho huyện đảo. Hiện Nhà máy điện Lý Sơn phát điện với 6 tổ máy chính, nâng công suất lên trên 3.500kW, đảm bảo an toàn cho việc cung cấp điện hàng đêm từ 17 đến 23h cho hơn 21 nghìn dân huyện đảo. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, do chênh lệch giữa giá bán và giá thành sản xuất phân phối điện quá lớn nên hằng năm ngành điện phải chịu lỗ hơn 10 tỷ đồng. Năm 2011 lỗ trên 15,8 tỷ đồng.

Mặc dù không còn cảnh dùng điện luân phiên, nhưng do số giờ có điện trong ngày còn ít (6 giờ/ngày) nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của huyện. "Thiếu điện là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển kinh tế, nhất là thương mại, dịch vụ và du lịch trên đảo. Do vậy, dù xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng đến thời điểm này ở Lý Sơn chẳng có cơ sở chế biến thủy sản nào. Nhiều du khách đến Lý Sơn chỉ sau một đêm ngủ tại đảo không chịu nổi cái nóng hầm hập nên đành trở vào đất liền"- ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn trăn trở.

Ông Nguyễn Thới - chủ nhà nghỉ Bình Yên (xã An Vĩnh) cho biết, ngoài việc chi trả tiền điện cho điện lực hằng tháng thì ông còn phải bỏ ra chí ít cũng vài triệu đồng cho việc mua dầu chạy máy phát điện. “Du khách vào ở, cứ thấp thỏm sợ tới giờ “G” ngành điện cắt điện nên đêm nào có khách trọ là tôi phải trực đến 23g để chạy máy phát điện. Riêng cái máy nổ phát điện đã ngốn cả chục triệu tiền vốn rồi. Chỉ mong Lý Sơn có điện quốc gia 24/24 h để chúng tôi có điều kiện mở rộng kinh doanh tốt hơn” – ông Thới tâm sự.

Giải pháp cơ bản và lâu dài

Để đáp ứng nhu cầu điện năng của người dân trên đảo cũng như phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, tháng 11/2012 Tổng Công ty Điện lực miền Trung phối hợp với UBND huyện Lý Sơn khảo sát thực địa để triển khai phương án cấp điện lưới quốc gia cho Lý Sơn bằng hệ thống cáp ngầm kéo từ đất liền ra đảo. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài.

 Nhà máy điện chạy bằng dầu Diesel duy nhất trên đảo đang quá tải.
Nhà máy điện chạy bằng dầu Diesel duy nhất trên đảo đang quá tải.


Qua khảo sát, dự kiến điểm đấu nối đường dây tại trạm biến áp 110 KV Dung Quất hoặc trạm biến áp 110 KV cảng Dung Quất. Đoạn tuyến cáp ngầm được chọn tại vị trí có khoảng cách ngắn nhất từ bờ ra đảo. Dự kiến đặt tại thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) và điểm trên đảo Lý Sơn đặt tại thôn Tây, xã An Vĩnh. Tổng mức đầu tư khoảng gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Trước đó, qua đề xuất của UBND tỉnh cũng như Vinacomin, Bộ Công thương đã đồng ý chủ trương cấp điện lưới quốc gia cho đảo Lý Sơn bằng phương án cáp ngầm 22kV, với chiều dài 32,75km, trong đó có 25,75km cáp ngầm bắc qua biển và giao EVN làm chủ đầu tư. Bộ Công thương cũng có văn bản số 8000/BCT-TCNL trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị dừng dự án NMNĐ than Lý Sơn và thay thế bằng phương án sử dụng cáp ngầm cấp điện.

Chính phủ xác định Lý Sơn là một trong 6 đảo của cả nước phải xây dựng phát triển mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng. Do đó, việc cung cấp đủ điện để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên đảo Lý Sơn là một yêu cầu cấp thiết. Về cơ chế vốn, cho phép dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về vốn tương tự như cơ chế thực hiện dự án cấp điện cho 5 tỉnh Tây Nguyên và có tính phần vốn góp của Vinacomin.

Giữa tháng 5/2013, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt bổ sung dự án cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015. “Một khi có điện đáp ứng 24/24h thì kế hoạch xây dựng nông thôn mới; các dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển du lịch sẽ khả thi hơn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương” – bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn nói.


Bài, ảnh:TRẦN LÊ ĐỨC
  
 


.