Nhọc nhằn mưu sinh nơi bãi rác

09:01, 18/01/2013
.

(QNĐT)- Bãi đất trống lọt thỏm giữa rừng keo thuộc địa phận thôn An Hội Nam, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là nơi tập kết rác thải của TP. Quảng Ngãi. Ở cái nơi vắng vẻ, hôi hám và ô nhiễm  này chính là nơi kiếm sống hằng ngày của hơn ba mươi con người. Mỗi người là một mảnh đời rất đỗi nhọc nhằn. Họ gắn chặt đời mình vào bãi rác để mưu sinh.
 
Trong cái nắng chiều đỏ rực cuối đông, tôi tìm về bãi rác, bên những túp liều ọp ẹp được che chắn tạm bợ bằng tấm bạt ni lông, hàng chục con người quần áo lấm lem, mặt mũi bịt kín đang cặm cụi bới rác. Không ai nói với ai câu gì, chỉ nghe tiếng “quạ, quạ”. Không biết từ đâu bầy quạ lũ lượt kéo đến mỗi lúc một đông và chao lượn dày đặc trên hố rác tự hoại để tìm thức ăn. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cả một không gian rộng lớn.
 
Bắt chuyện với chị Đặng Thị Lên đang cặm cụi phân loại những gì có thể mang đi bán được, chị cho biết, công việc hằng ngày là bới tìm và phân loại những thứ như chai nhựa, bao ni lon, sắt, đồng…, sau đó đóng bao, khâu lại. Sau vài ngày tích góp, vài người hùn lại thuê cả chiếc xe tải chở đi tiêu thụ. Nếu chăm chỉ mỗi ngày kiếm cũng được 80.000-100.000 đồng. 

 

aa
 Hằng ngày, họ bới tìm và phân loại những thứ như chai nhựa, bao ni lon… để đối lấy  tiền. 

 

Đưa tay chỉ về phía cô con gái, chị Liên phân trần: Nó lỡ dại mang bầu khi mới 17 tuổi nên giờ phải đơn thân nuôi con một mình. Nhà tui con đông lại không có ruộng nên hai mẹ con chẳng biết làm nghề gì ngoài cái nghề này. Biết là hôi hám, bẩn thỉu, bệnh tật nhưng bỏ thì chẳng biết làm gì.

Một ngày mưu sinh của hai mẹ con chị Liên cũng như nhiều người khác bắt đầu từ sáng sớm cho tới tận nửa đêm. Cuộc sống của họ cứ thế lặng lẽ trôi qua. Mùa đông cũng như mùa hè, ngày nắng cũng như ngày mưa, họ đều gắn mình với những đống rác thải đủ chủng loại đang trong thời gian phân hủy bốc mùi nồng nặc. 

Mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận từ 8 đến 10 xe rác, chia làm 4 mốc thời gian là 3 giờ sáng, 4 giờ chiều, 5 giờ chiều và 10 giờ đêm. Rác là thứ bỏ đi, vô giá trị với rất nhiều người nhưng với họ có lẽ là thứ đáng quý. Càng nhiều rác thì cơ hội kiếm tiền của họ càng cao.

Khi xe chở rác vừa vào hố tự hoại, hàng chục con người chen nhau dùng cào sắt cào bới quanh đống rác, tìm kiếm những gì có thể bán được cho tất cả vào bao nilon, dẫu biết rằng trong đống rác ấy có nào là rác, động vật chết, mảnh chai, các vật nhọn… thậm chí là kim tiêm. Đó là chưa kể không khí ô nhiễm mà họ phải hít thở hàng ngày, nhưng vì cuộc mưu sinh họ bất chấp tất cả.

 

AAA
Khi xe chở rác vừa vào hố tự hoại, hàng chục con người chen nhau dùng cào sắt cào bới quanh đống rác, tìm kiếm những gì có thể bán được.
 
Hầu hết những người bới rác ở đây đều là nông dân sống gần khu bãi rác. Mỗi con người là một mảnh đời cơ cực. Nhiều người sống bằng nghề này đã 20 năm. Bà Lý ở tổ 19, phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi là "lão làng" ở bãi rác này.
 
Năm nay 57 tuổi, đã 20 mươi năm qua, số ngày bà vắng mặt ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc đời của người phụ nữ có khuôn mặt in hằn nỗi khó nhọc, thân hình gầy gò, nhỏ thó, đôi mắt mờ đục, đôi bàn tay chai sần, đen sạm như bà lão 70 tuổi này khá gian truân. Chồng mất khi bà còn độ tuổi xuân xanh, một mình bà kiếm sống nuôi bố mẹ chồng và hai con thơ.
 
Rồi cũng đến lúc hai đứa con trưởng thành lần lượt lập gia đình. Những tưởng từ đây cuộc đời bà bớt nỗi nhọc nhằn, nhưng ở đời mấy ai biết được chữ ngờ. Người con trai ly hôn, mỗi người đi tìm hạnh phúc mới để lại cho bà nuôi mẹ già và ba đứa cháu nhỏ, một đứa chỉ mới hai tuổi, một  đứa học lớp 2 và một đứa lớp 5. 
 
Bởi vậy, dù nắng hay mưa, bà cũng có mặt ở đây đến rạng sáng mới về nhà ngủ vài giờ đồng hồ rồi lại đến bãi rác tiếp tục cuộc mưu sinh. Vất vả là vậy, nhưng bà chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ nghề để kiếm nghề khác.

 

AA
Những mảnh đời cơ cực này không ngần ngại lội xuống lòng hồ tự hoại để mưu sinh.
 
Hỏi bà, sao không tìm việc khác sạch sẽ hơn mà làm? Bà Lý tâm sự: “Ngày xưa cũng đi thu mua ve chai rồi nhưng lỗ vốn hoài. Một chỉ vàng làm vốn đi vài bữa chỉ còn năm phân. Cực nhọc, dơ bẩn lắm nhưng riết thành quen. Nhiều khi dẫm phải kim tiêm, sắt nhọn nhưng được cái da mình cũng hiền nên xoa ít dầu hỏa là khỏi ngay. Giờ mà bỏ thì mấy đứa nhỏ không biết lấy gì mà ăn chứ nói chi đến học hành. Còn chút sức lực nào thì ráng làm lo cho tụi nhỏ chứ biết sao được. Với nhiều người mấy chục nghìn đôi khi chỉ là bữa ăn sáng nhưng với mình nó nuôi sống cả 5 miệng ăn. Âu cũng là số phận.”.
 
Xong câu chuyện với tôi, người phụ nữ nhỏ nhắn này vác trên vai chiếc cào sắt, tay cầm bao nilon to đùng thẳng tiến về phía hố tự hoại. Chốc chốc, bà lại cúi người xuống nhặt chai nhựa, bao nilon, đôi giày, dép nhựa đứt... cho vào bao. Bên cạnh bà vài chục người khác cũng miệt mài với công việc của mình. Cứ thế, ngày ra ngày họ vật lộn với rác thải để mưu sinh.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 
 

.