Sớm ổn định cuộc sống người dân hạ lưu cầu Bàu Nước

04:06, 11/06/2012
.

(QNg)- Còn vài tháng nữa mới đến mùa mưa lũ năm 2012, nhưng những hộ dân ở hạ lưu cầu Bàu Nước và cầu Sông Rớ, xã Phổ Minh (Đức Phổ) luôn sống trong cảnh lo âu. Bởi lẽ, mùa lũ năm 2011 họ đã đối mặt với nhiều hiểm nguy, đất sản xuất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá. Vì thế họ luôn mong ước được ổn định cuộc sống trước khi mùa mưa lũ về.
 
Chỉ tay về vũng nước hạ lưu cầu Bàu Nước, bà Lê Thị Nghề, ở thôn Tân Tự (Phổ Minh), cho biết: Khi chưa có tuyến đường tránh QL 1A đi qua thì con đường này rất thấp. Mùa mưa lũ nước ngập và chảy tràn qua mặt đường băng qua cánh đồng. Người dân sống chung với lũ an toàn. Nhưng đến mùa mưa lũ năm 2010, 2011, tuyến đường tránh được hình thành, dòng nước được gom về nên chảy qua cầu Bàu Nước rất dữ dội làm sa bồi thủy phá gần phân nửa diện tích đất vườn, đất ruộng lúa của gia đình bà. Không chỉ có vậy, do nhà nằm sâu so với mặt đường nên nước lũ  dâng lên đến tận cửa sổ, tuyến đường đi lại cũng ngập sâu trong nước.

Ruộng ở vùng hạ lưu cầu Bàu Nước.
Ruộng ở vùng hạ lưu cầu Bàu Nước.


"Giá như ngày trước tôi nghe lời Công ty cổ phần Đầu tư &Xây dựng Thiên Tân thì giờ đây đâu phải sống trong cảnh như ngồi trên đống lửa. Dù không nằm trong phạm vi hành lang đường bộ phải giải toả nhưng công ty cũng đến vận động chúng tôi di dời vào khu tái định cư để có điều kiện ổn định cuộc sống, nhưng tôi nghĩ ở gần mặt đường này có điều kiện kinh doanh buôn bán để cải thiện đời sống. Nào ngờ..."- bà Nghề kể.

Vì sống trong cảnh như thế nên vào mùa mưa lũ, anh Nguyễn Tú- con trai bà Nghề phải chống xuồng đưa 2 con đi học khá vất vả. "Ngày 8/10/2010, trong lúc chở 2 con đi học gặp dòng nước chảy xiết làm thuyền lật, nhưng nó kịp thời vớt được 2 đứa nhỏ đưa vào bờ an toàn. Nếu hôm đó 2 đứa nhỏ có mệnh hệ gì thì tôi vô cùng ân hận vì không nghe lời chủ đầu tư công trình đường tránh"- bà Nghề nhớ lại. Cũng từ ngày đó, bà Nghề gửi đơn lên chính quyền địa phương xin được di dời nhà đến nơi ở mới để khỏi thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa lũ về nhưng chưa được giải quyết. Ông Huỳnh Kim Lập- GĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân, cho biết thêm: "Chúng tôi cũng dự lường được hệ quả này nên đã vận động người dân di dời ngay từ ngày đầu dự án mới triển khai, nhưng họ không nghe nên công ty cũng đành chịu".

Gia đình bà Huỳnh Thị Hưng (55 tuổi) cũng cùng cảnh ngộ như thế. Gia đình bà có 6 sào ruộng, mỗi vụ sản xuất thu hoạch được 30 bao lúa khô, tương đương với khoảng 1,5 tấn thóc. Nhưng từ ngày có tuyến đường tránh QL 1A qua thị trấn Đức Phổ được hình thành thì gia đình bà Hưng không thể canh tác trên 3 thửa ruộng (6 sào) của mình. Nguyên nhân là do mưa lũ của 2 năm vừa qua đã làm cho số diện tích trên bị sa bồi thuỷ phá toàn bộ. Để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, bà Hưng phải đi thuê 3 sào lúa trên cánh đồng Sa Bình với giá 50kg lúa/sào/mùa. “Làm ruộng nhà mà không có dư, chỉ đủ ăn qua ngày thì nói chi đến việc làm ruộng thuê. Chẳng qua là bỏ công kiếm lúa về ăn mà thôi. Vì vậy, Nhà nước sớm có cơ chế hỗ trợ đời sống trước mắt cho người dân. Còn về lâu dài thì phải cấp lại đất cho dân sản xuất ổn định đời sống"- bà Hưng chia sẻ.

Thời gian qua, để cải thiện đời sống và có điều kiện lo cho con ăn học, ngoài thời gian làm đồng, bà Hưng còn tranh thủ đi làm thuê, làm mướn cho người dân trong làng. Cũng theo bà Hưng, việc hình thành tuyến đường tránh dẫn đến làm sa bồi thuỷ phá một số diện tích đất sản xuất của người dân là điều không thể tránh khỏi, vì đó cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường. Cái được ở đây là người dân có được một con đường đi lại khang trang, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, góp phần đưa Đức Phổ trở thành đô thị loại III vào năm 2015.

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Văn Sáu- Chủ tịch UBND xã Phổ Minh cho biết: Riêng đợt lũ năm 2011 đã làm sa bồi thủy phá khoảng 4 ha đất sản xuất nông nghiệp của 39 hộ dân thuộc thôn Tân Mỹ, Tân Bình và Tân Tự. UBND xã đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện kiểm kê số diện tích bị sa bồi thủy phá, ngập úng để làm cơ sở kiến nghị các ngành chức năng xem xét hỗ trợ cho người dân. Riêng 4 hộ dân xin được TĐC cũng đã được kiểm kê xong. Ngày 22/5/2012, UBND xã Phổ Minh đã tổng hợp và báo cáo bằng văn bản lên UBND huyện. Ông Lê Văn Mùi- Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết thêm: Việc những hộ dân vùng hạ lưu cầu Bàu Nước xin được di dời đến nơi ở mới và cấp lại đất sản xuất do bị sa bồi thuỷ phá là chính đáng. Hội đồng bồi thường của UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND huyện Đức Phổ giải quyết vấn đề này. Hiện nay, UBND huyện Đức Phổ đang hoàn tất các thủ tục và sẽ giải quyết bồi thường, TĐC cho người dân trước mùa mưa 2012.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.