Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

01:03, 21/03/2012
.

(QNg)- Những năm gần đây, trên địa bàn các xã dọc sông Re huyện Sơn Hà (Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ) thường xuyên xảy ra tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc và thường được dân làng xử theo luật tục. Việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, để đồng bào hiểu và chấp hành đang là vấn đề đặt ra cho cả hệ thống chính trị huyện Sơn Hà…

TIN LIÊN QUAN


* "Lệ làng"!

Trong vòng vài năm gần đây, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn các xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ do các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số gây ra. Nguyên nhân đẩy các đối tượng này vào con đường phạm tội đều do nhận thức pháp luật còn hạn chế. Nổi lên là vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc lẫn nhau mà theo luật tục của làng là phải giết "con ma" để trừ hại cho dân làng. Từ suy nghĩ ấy 4 thanh niên làng Tà Cơm, xã Sơn Thủy đã giết hại dã man ông Đinh Văn Nên người cùng thôn. Đôi khi có vụ án nghiêm trọng lẽ ra phải xử phạt ở khung hình phạt tương đối cao, như hành vi hiếp dâm thì lại được dân làng "xử" phạt bằng luật tục với việc người vi phạm chỉ phải bồi thường một con heo, bữa rượu đãi cả làng là… hết.

Giáo dục pháp luật cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là giáo dục xóa bỏ luật tục là cần thiết. Trong ảnh: Học sinh huyện Tây Trà trong giờ học bộ môn pháp luật.
Giáo dục pháp luật cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là giáo dục xóa bỏ luật tục là cần thiết. Trong ảnh: Học sinh huyện Tây Trà trong giờ học bộ môn pháp luật.


Mới đây nhất là vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xảy ra tại làng Pa Lêu, thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ. Nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa hai gia đình đối với diện tích đất liền kề, bà Đinh Thị Thương buông lời dọa nạt hàng xóm của mình là bà Đinh Thị A rằng sẽ đồ độc 2 người trong nhà bà A chết. Đột nhiên sau đó, trong vòng hai ngày 2 đứa cháu nội của bà A đột nhiên chết chưa rõ nguyên nhân. Thế là cả làng Pa Lêu đổ hết tội lỗi cho bà Thương và tìm cách giết bà để trừ hại cho dân làng theo quy định của "lệ làng". Bà Thương phải bỏ nhà lên tá túc ở trụ sở UBND xã.

* Vận động người dân tuân theo "phép nước"

Sau khi sự việc xảy ra, huyện Sơn Hà và xã Sơn Kỳ đã về địa phương tổ chức vận động dân làng không nghi kỵ lẫn nhau. Tối 13/3, chính quyền huyện và xã đã họp dân để giải thích, không nên nghi  kỵ lẫn nhau và mọi việc phải chấp hành theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, trong tâm thức đồng bào nơi đây vẫn còn rất nặng nề. Họ một mực đòi giết bà Thương theo luật tục đối với người "có đồ độc". Ông Đinh Văn Trò - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kỳ cho biết: "Tư tưởng dùng luật tục để giải quyết các mâu thuẫn trong làng vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức người dân. Xóa bỏ tư tưởng này có lẽ cần phải mất nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền, vận động dân làng".

Xung quanh vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số các xã Sơn Hải, Sơn Thủy, Sơn Kỳ nói riêng và đồng bào dân tộc Sơn Hà nói chung, có nhiều ý kiến từ phía cán bộ, già làng tiêu biểu. Ông Đinh Văn Phẩm - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Sơn Hà cho rằng: "Phải quyết liệt và thường xuyên tuyên truyền pháp luật, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không tự ý xử lý các vi phạm xảy ra tại địa phương theo luật tục. Đó không chỉ là trách nhiệm của cơ quan tư pháp, mà là của cả hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, chính quyền, hội đoàn thể". Còn theo già làng tiêu biểu thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ Đinh Văn Trê thì: Phải chọn đúng người có khả năng thuyết phục cao, có kiến thức, nhất là phải biết tiếng nói của đồng bào để vận động tuyên truyền.

Em Đinh Thị Dương, học sinh lớp 11 Trường THPT Phạm Kiệt (Sơn Kỳ, Sơn Hà) lại cho rằng: "Cần xây dựng chương trình giáo dục pháp luật, đặc biệt là việc xóa bỏ luật tục vào trong chương trình giảng dạy đối với học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua cách giáo dục này, con em của họ sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền cha mẹ, người thân trong gia đình tuân theo pháp luật, xóa bỏ hủ tục lạc hậu của đồng bào mình". Thời gian gần đây, Phòng Tư pháp huyện Sơn Hà đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền pháp luật đến các xã vùng cao, vùng xa của huyện, nhưng công việc này chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Dép - Bí thư Huyện ủy Sơn Hà cho biết: "Việc vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ hủ tục lạc hậu luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Sơn Hà coi trọng. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi công tác này thực hiện chưa tốt. Huyện ủy sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, để mọi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết pháp luật, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn".


Bài, ảnh: Thanh Huyền
 


.