"Sợi chỉ đỏ" nối đạo và đời

01:12, 05/12/2011
.

(QNg)- Không chỉ được đồng bào dân tộc H’re ở huyện miền núi Ba Tơ tin yêu, kính phục mà ông còn được bà con ví như "sợi chỉ đỏ" kết nối tình đoàn kết giữa đạo và đời. Ông chính là già làng Phạm Văn Lân ở thôn Nước Lang, xã Ba Dinh (Ba Tơ).

Đã qua 84 mùa rẫy, nhưng già Lân vẫn miệt mài và gắn bó với việc "ăn cơm nhà, nói chuyện xóm làng", mà ông nói vui rằng: "Đó là cái duyên, cái nghiệp của mình". Và cũng nhờ cái duyên ấy mà không biết bao lần, ông đã "cứu" được nhiều cặp vợ chồng đang đứng bên bờ vực thẳm của hạnh phúc, hay khiến những người lầm lỡ trở về với việc Thiện. Nhưng câu chuyện được bà con "tâm phục, khẩu phục" nhất, chính là việc già Lân giúp các giáo dân ở thôn Đồng Dinh kịp nhận ra bộ mặt thật của những kẻ xấu, đã lợi dụng chính sách dân tộc của Nhà nước, để chia rẽ khối đoàn kết ở địa phương. Và cũng từ đó, ông được người dân nơi đây xem như sợi dây mây dẻo nhất, mềm nhất để cột chặt và kết nối tình yêu thương giữa đạo và đời, trong cộng đồng dân tộc H’re nơi vùng cao này.
 
Già Lân (bên trái) - người được bà con đồng bào H’re xã Ba Dinh (Ba Tơ) ví như “sợi chỉ đỏ” kết nối tình đoàn kết giữa đạo và đời.
Già Lân (bên trái) - người được bà con đồng bào H’re xã Ba Dinh (Ba Tơ) ví như “sợi chỉ đỏ” kết nối tình đoàn kết giữa đạo và đời.

Nhắc lại chuyện ấy, tôi thấy đôi mắt già Lân như sáng hơn khi nhớ lại thời gian ông "cùng ăn, cùng uống và cùng ở" với bà con giáo dân ở thôn Đồng Dinh. Gần một tháng ròng rã, ông đến từng nhà chỉ để làm mỗi việc là uống rượu và nói chuyện với người dân nơi đây. Tuy nhiên, do bị bọn xấu lôi kéo, xúi giục, lại còn điểm "đúng huyệt" vấn đề cơm áo gạo tiền nên một số giáo dân rất tin tưởng chúng, bỏ ngoài tai những lời khuyên răn của chính quyền. Vậy nên, cứ thấy ông và cán bộ mặt trận đến nhà là họ tránh mặt, thậm chí còn đuổi đánh. "Lúc ấy tôi sợ thật. Không phải sợ bị dân đánh, mà sợ kẻ xấu sẽ được nước lấn tới. Như thế sẽ rất nguy hiểm" - già Lân cho hay.

Sau một tuần lặn lội và âm thầm theo dõi, ông phát hiện ra thủ đoạn của kẻ xấu là, mua chuộc bà con bằng cách cho tiền, cho gạo rồi xúi giục, kích động họ bỏ đất sản xuất, không tiếp xúc với cán bộ và người dân “ngoại đạo”. Một thời gian dài sau đó, người ta thấy ông có mặt thâu đêm suốt sáng, lúc thì với cánh đàn ông, lúc cùng đám trẻ choai choai trong làng. Và cũng không ai biết ông đã nói gì, làm gì mà chỉ hơn 3 tuần trăng, những người trước đó còn bênh vực cho bọn truyền đạo trái phép, giờ quay lại… đuổi đánh chúng. Nói về điều này, già Lân trầm tư: "Chẳng qua vì kinh tế còn khó khăn, trình độ nhận thức lại hạn chế nên đồng bào mình mới bị kẻ xấu lợi dụng. Thế nên chỉ cần mình mềm dẻo, nhẹ nhàng và lựa lời khuyên nhủ thì họ sẽ ưng cái bụng thôi!".

Anh Phạm Văn Thầy ở thôn Nước Lang suýt tan cửa nát nhà vì nghe lời bọn xấu đánh đập vợ, không cho con cái đến trường và cắt đứt quan hệ với gia đình, hàng xóm lúng túng thú nhận: "Mình có tội với vợ con nhiều lắm!. May mà có già Lân giúp đỡ chứ không thì giờ mình cũng chẳng còn nhà để về. Già Lân nói đúng lắm: Chỉ có Đảng, Nhà nước mới cho bà con mình no ấm cái bụng, có nhà để ở, có cây keo, con bò để nuôi".

Còn anh Phạm Văn Tình thì cho biết: "Mấy ngày đó, mình và một số người trong làng không chịu lên nương, ra đồng mà chỉ uống rượu. Thậm chí mình bị đau cái bụng họ cũng bảo đừng đến trạm y tế, đó là do con ma bệnh bắt nên phải mời thầy cúng. Lúc ấy già Lân đã nói rằng: Uống rượu có sống được không? Mỗi lần mình bị đói, bị lạnh thì ai cho gạo, cho áo ấm? Mình vừa bị mổ ruột thừa, lại uống rượu nhiều nên bụng mới đau. Nếu không để bác sĩ bắt bệnh thì sẽ mất mạng đấy. Vậy là một lần nữa, già Lân lại cứu mình".

Đó là câu chuyện xảy ra vào đầu năm 2011 ở các thôn Nước Lang, Đồng Dinh của xã Ba Dinh. Đến giờ, nó vẫn luôn được người dân nơi đây nhắc lại như một kỷ niệm buồn, một bài học đắt giá. "Qua vụ việc này, bà con giáo dân lại càng tin tưởng, khâm phục và kính trọng tấm lòng của già Lân đối với họ. Vì vậy, nhiều người mắc sai lầm đã xin lỗi dân làng và hứa sẽ sống thiện, làm điều tốt" - anh Huỳnh Long Tư, Phó Chủ tịch MTTQVN xã Ba Dinh chen vào câu chuyện.

Giờ đây, cuộc sống của giáo dân và bà con thôn Đồng Dinh đã bình yên trở lại. Để rồi, ở khắp đầu làng ngõ xóm, đâu đâu tôi cũng bắt gặp những cái bắt tay thật chặt, những lời thăm hỏi sẻ chia, chuyện trò rôm rả trên các rẫy mì đồi mía xanh rờn. Và trong câu chuyện ấy, họ không quên kể về già Lân - một già làng uy tín chẳng khác nào sợi dây kết nối tình yêu thương, đoàn kết của bà con nơi vùng cao này.
           
Bài, ảnh: MỸ HOA

.