Bảo vệ môi trường: Nhìn từ ý thức người dân

06:12, 05/12/2011
.

(QNg)- Câu chuyện rác thải gây ô nhiễm môi trường lâu nay vẫn là chuyện… "khổ lắm, nói mãi". Mặc dù các cấp, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi vẫn còn diễn ra khá phổ biến, phần lớn do ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người rất kém.

Sau biển cấm là... bãi rác

Đi dọc trên các trục đường huyện, đường xã, đường liên thôn, không khó để chúng ta bắt gặp những đống rác hiện hữu hai bên  đường. Nhà này thấy nhà kia đổ được thì cũng "hồn nhiên" đổ theo. Điều nhận thấy rõ nhất là ở những nơi có đất trống, vắng vẻ thường là nơi tập kết rác "lý tưởng" của nhiều hộ dân. Tại phía nam cầu sông Vệ cũ thuộc địa phận xã Đức Nhuận (Mộ Đức), mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển "cấm đổ rác". Thế nhưng tấm biển cứ đứng trơ giữa mưa nắng, không có tác dụng. Trong khi đó rác vẫn đổ hàng ngày xung quanh biển cấm. Một người dân sống gần đây cho biết: Cũng may mấy hôm nay trời không oi nồng, chứ mùi xú uế phả ra từ bãi rác kia khó chịu lắm. Biển cấm thì cấm vậy, chứ nhiều người không hề thực hiện theo.
 
Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm đổ rác, nhưng người dân vẫn không mấy quan tâm.
Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm đổ rác, nhưng người dân vẫn không mấy quan tâm.

Các khẩu hiệu, pa-nô, áp phích tuyên truyền về nếp sống văn hóa, văn minh, bảo vệ môi trường được treo rất nhiều trên các tuyến giao thông. Thế nhưng rác thải mỗi nhà tự xử lý theo cách riêng của mình. Và cách xử lý được áp dụng nhiều nhất và triệt để nhất là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Ngay gần chân cầu Bồ Đề 1 (Đức Nhuận, Mộ Đức) không chỉ một tấm biển cấm, mà chính quyền đã cho cắm hẳn 3 tấm biển tuyên truyền bảo vệ môi trường, cấm đổ rác. Nhưng tình hình vẫn không khá hơn, hàng chục bao rác thải vẫn đổ về đây.
   
Những bãi rác "bất đắc dĩ" nói trên chỉ là một trong hàng chục bãi rác tự phát dọc theo Quốc lộ 1A và ở nhiều tuyến đường nông thôn, gây nhức nhối trong nhân dân. Cấm là việc cấm, còn đổ thì vẫn cứ đổ - đó là suy nghĩ của không ít người dân khi chưa có ý thức về giữ gìn vệ sinh công cộng. Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng này, nhưng chuyện "đâu lại vào đó". Mỗi ngày tích tụ một ít cho đến khi số rác thải đó bốc mùi thì mới được chính quyền cắm biển cấm. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương.
 
Thùng một bên và... rác một bên

Dọc theo các tuyến đường lớn trong trung tâm thành phố, huyện và một số xã, thùng rác được bố trí rất nhiều, thế nhưng hiện nay nhiều nơi tình trạng các túi rác sinh hoạt vẫn nằm nghênh ngang ngay cạnh các thùng rác. Xã Bình Hải là một trong 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Sơn hợp đồng với Công ty Lilama tại KKT Dung Quất để thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây, tại những nơi quy định tập kết rác thải để xe chuyên dùng đến thu gom, người dân không bỏ vào thùng rác, mà vứt bừa bãi tràn ra đường, không những làm ô nhiễm môi trường mà còn mất vệ sinh cảnh quan con đường phía nam đi vào khu đô thị mới Vạn Tường. "Đây là đoạn đường cách  xa khu dân cư, nên không ai để ý. Nhiều người thường chạy xe đến đây vào những giờ vắng người qua lại rồi vứt rác bừa ra ngoài”. Anh Nguyễn Hải Nhân, một người dân sống gần khu vực này cho biết.

Không chỉ ở những tuyến đường nông thôn mà ở những điểm chợ, tình trạng xả rác vô tội vạ vẫn diễn ra hàng ngày. Tại hầu hết các điểm chợ, Ban quản lý chợ đều trang bị thùng rác, và các điểm đổ rác tập trung. Thế nhưng do thói quen và ý thức kém của nhiều người không bỏ rác vào thùng, nên tình trạng này đã và đang diễn ra hàng ngày và chưa có chiều hướng giảm. Chợ đầu mối buôn bán trái cây Gò Quán nằm trên đường Quang Trung, phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) sau mỗi buổi chợ đông đúc là một cảnh tượng nhếch nhác các phế phẩm như rau, củ, quả, túi ni lông, những gói hàng hóa không sử dụng… Tất cả được người dân vứt một cách vô tư ra lòng đường, mặc dù thùng rác cách đó không xa.

Có thể thấy, việc đổ rác đúng nơi quy định không phải là việc khó thực hiện. Tuy nhiên do tập quán sinh hoạt, thói quen bỏ rác bừa bãi đã hình thành rất lâu, nên việc thay đổi nhận thức của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Một khi mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân không thay đổi, thì bài toán môi trường vẫn là một vấn đề nan giải.

Trước thực tế trên, người dân cần nhận thức được mối nguy hại của việc vứt rác bừa bãi mà rác thải là thủ phạm gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe đời sống của con người. Mỗi người phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phải thay đổi thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu để bảo vệ cộng đồng và hơn hết là những người thân xung quanh và chính bản thân mình. Đồng thời chính quyền địa phường cần vào cuộc quyết liệt hơn để người dân có những nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường.

 Bài, ảnh: Ngọc Đức

.