Cuộc sống của những người "đoán bệnh của trời"

08:07, 13/07/2011
.

(BQNg)- Cuộc sống vất vả, thu nhập khiêm tốn, nhưng những cán bộ ở Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn vẫn luôn bám sát diễn biến tình hình thời tiết. Họ chính là người bạn đồng hành cùng người dân đất đảo dõi theo nắng mưa, giông bão, để phòng tránh hiệu quả thiên tai, bão lũ trên hòn đảo Lý Sơn!
 
Lặng lẽ  - "say" nghề!

Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn nằm ở thôn Đông, xã An Hải ngay sát mép biển, nên ngày mới đến sớm hơn. Không giống như cán bộ, công chức khác, những người "đoán bệnh" của trời trên hòn đảo nhỏ này vào ca khi mặt trời còn chưa thức và kết thúc công việc khi mọi người đã ngủ. Ngày bình yên cứ 3 giờ đồng hồ, cán bộ Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn lại quan trắc khí tượng một lần - một ngày sẽ có 8 lượt tổng hợp báo cáo kết quả quan trắc về Đài Khí tượng Trung Trung Bộ (tại Đà Nẵng). Thế nhưng khi ông trời "trở tính" mưa giông, bão bùng thì cứ 30 phút, các cán bộ khí tượng phải theo dõi, xử lý, tổng hợp báo cáo diễn biến thời tiết 1 lần.
 
Trồng đậu xanh trong vườn quan trắc của cán bộ Trạm Khí tượng Hải Văn Lý Sơn, vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường, vừa là nguồn thu nhập, giúp cán bộ cải thiện đời sống.
Trồng đậu xanh trong vườn quan trắc của cán bộ Trạm Khí tượng Hải Văn Lý Sơn, vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường, vừa là nguồn thu nhập, giúp cán bộ cải thiện đời sống.

Mặc dù Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn được xây dựng đã mấy chục năm, nhưng chỉ có 3 cán bộ. Công việc của họ mỗi ngày là những phép tính lặp đi lặp lại, nhưng họ đều tìm thấy hứng thú đặc biệt trong mỗi phép tính. Bởi thế họ đều "say" nghề, bám trụ với công việc lặng lẽ đo mưa - đếm gió nơi chỉ có sóng và gió biển.

Anh Nguyễn Nam - Trạm trưởng có 27 năm thâm niên trong nghề nhưng vẫn cảm thấy việc này thú vị như những ngày đầu tập sự.
 
Còn anh Phạm Văn Thế - người 23 năm gắn bó với cái nghề: Với tôi học hết cấp III anh ở nhà phụ gia đình trồng hành, tỏi ở xứ đồng gần Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn. Có những khi vừa xuống giống, trời mưa lạnh kéo dài hành, tỏi bị mất trắng. Anh Thế thầm ước ao có ngày mình đoán trước được sự nắng mưa của trời, để giúp nông dân đất đảo phòng tránh rủi ro, thiệt hại trong sản xuất. Thế rồi ước mơ ấy đến, khi anh Thế được một người giới thiệu với Trạm Khí tượng Hải văn nhận vào và đưa đi học Trung cấp Khí tượng Thuỷ văn. Ra trường anh về trạm công tác cho đến tận bây giờ.
 
Người cán bộ thứ 3 của Trạm là anh chàng độc thân Nguyễn Quốc Huy (quê ở Quảng Bình). Sống xa gia đình, công việc lặng lẽ càng làm cho bản tính ít nói của Huy thêm trầm lặng. Mỗi ngày người thanh niên này chỉ biết vùi đầu vào công việc, rất ít khi ra khỏi trạm. Mơ ước nhỏ nhoi của Huy là được quan tâm tạo điều kiện đưa về công tác ở quê, để có điều kiện chăm sóc cha mẹ già yếu, bởi Huy tự cho mình là "không có tiền, nhưng chịu khó và có hiếu".

Những gian nan...

Anh Phạm Văn Thế cho biết: "Lúc bão số 9 - năm 2009 đổ bộ vào, các anh em trong trạm đã phải bám trụ suốt 5 ngày trời, theo dõi diễn biến thời tiết. Gió rít ầm ầm, trời mưa khủng khiếp, thế mà cứ 30 phút lại phải ra hiện trường đo lượng mưa, sức gió, đoán mây, dự báo tầm nhìn xa... để tổng hợp truyền về Đài Khí tưởng Thủy văn Trung Trung Bộ xử lý, ra bản tin dự báo thời tiết. Chính những lúc gian nguy ấy lại là thước đo lòng yêu nghề của người làm công tác khí tượng thuỷ văn.

Không chỉ nhọc nhằn với công việc, trong cuộc sống những cán bộ khí tượng hải văn ở Lý Sơn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Với anh Thế, khi gấp cuốn sổ nhật ký ghi chép tình hình khí tượng hải văn là cuốc đất trồng dưa, đậu xanh trong khuôn viên vườn khí tượng, vừa để tạo không gian xanh, vừa có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống của mình. Dù thế những vất vả đời thường ấy lại chưa phải là điều trăn trở nhất của những người cán bộ khí tượng ở Lý Sơn. "Cái nghề này nhiều khi ấm ức lắm. Dự báo đúng thì xem như đó là trách nhiệm. Thế nhưng đôi khi có chút sai lệch lại bị trách móc, kỷ luật rất căng".

Ở Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn dù là một cơ quan, nhưng chỉ có 3 cán bộ, nên một người kiêm nhiệm nhiều công việc. Nguyễn Quốc Huy vừa cán bộ quan trắc, vừa kiêm thủ quỹ, thủ kho, văn thư; anh Phạm Văn Thế kiêm thêm kế toán, có khi điều hành công việc lúc Trạm trưởng đi công tác. Cái thiệt thòi lớn vẫn là mỗi khi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thanh niên, tổ công đoàn, các cán bộ khí tượng ở đây đều phải vượt biển vào đất liền sinh hoạt cùng với đảng viên, đoàn viên, đoàn viên công đoàn của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh.

Cuộc sống vất vả, thu nhập khiêm tốn, nhưng những cán bộ ở Trạm Khí tượng Hải văn Lý Sơn vẫn luôn bám sát diễn biến tình hình thời tiết. Họ chính là người bạn đồng hành cùng người dân đất đảo dõi theo nắng mưa, giông bão, để phòng tránh hiệu quả thiên tai, bão lũ trên hòn đảo Lý Sơn!

Bài, ảnh: THANH NHỊ

.