Hoạt động truyền thông - "chìa khóa" thành công của công tác DS-KHHGĐ

10:03, 09/03/2011
.

(QNg)- Truyền thông về dân số/sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (DS/SKSS/KHHGĐ) là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam. Công tác truyền thông đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số.
 
Qua các giai đoạn của công tác DS-KHHGĐ công tác truyền thông đã có những bước phát triển phù hợp, thực sự là "chìa khóa" tạo nên sự thành công của công tác DS-KHHGĐ.

Đến năm 2011 nước ta đã thực hiện công tác dân số tròn 50 năm. Nhưng đối với Quảng Ngãi từ năm 1978, công tác "Sinh đẻ có hướng dẫn" hay còn gọi là "Sinh đẻ kế hoạch hóa" mới bắt đầu được nhân dân tiếp cận.

Từ đó đến năm 1990, công tác DS-KHHGĐ còn mang tính phong trào, chưa  có những định hướng, mục tiêu, giải pháp cụ thể, mà phương pháp chủ yếu là tuyên truyền, vận động đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ  đặt vòng tránh thai. Kênh truyền thông phổ biến thời bấy giờ là truyền thông đại chúng qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp của các hội, đoàn thể, lực lượng truyền thông chủ yếu là cán bộ y tế xã. Có thể nói trong giai đoạn này, công tác truyền thông chưa được chú trọng, còn mang tính tự phát. Đối tượng thực hiện KHHGĐ có khi mang tính bắt buộc, hoặc làm theo người khác, nhận thức chưa được nâng cao, chưa thấy rõ lợi ích của việc KHHGĐ.

Năm 1991 bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta bắt đầu được hình thành ở cấp huyện. Đến ngày 24/8/1992, tại Quyết định số 315/CP do Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt Chiến lược thông tin - Giáo dục - Truyền thông (TT-GD-TT) đã ra đời. Đây là văn bản đầu tiên đặt nền móng cho công tác truyền thông dân số. Công tác truyền thông đã được đề cập bài bản trên cơ sở khoa học, các quan điểm, mục tiêu, phương pháp thực hiện đã khá rõ nét và toàn diện. Với mục tiêu chính là giảm tốc độ gia tăng dân số (cụ thể là thực hiện mục tiêu giảm sinh, xây dựng qui mô dân số gia đình ít con, tăng nhanh số người thực hiện KHHGĐ). Phương pháp truyền thông chủ yếu là truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp, tập trung ở việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, thuyết phục, góp phần làm thay đổi thái độ, thực hành cho đối tượng.

Đây là những giải pháp đúng đắn, hợp qui luật mà công tác truyền thông giai đoạn trước chưa đề cập tới. Tuy nhiên công tác truyền thông trong giai đoạn này chỉ tập trung ưu tiên vào nhóm đối tượng chủ yếu là phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi), nhất là những vùng có mật độ dân số cao; chưa quan tâm đúng mức đến những vùng khó khăn như vùng sâu, vùng xa là những nơi trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, phong tục tập quán còn nặng, và cũng chưa quan tâm đến các nhóm đối tượng như vị thành niên, dân tộc ít người,  cung cấp dịch vụ… Mặt khác thông điệp truyền thông cũng chưa phong phú, còn chung chung; phương tiện và tài liệu truyền thông cũng chưa  đa dạng và phù hợp với vùng, miền, nhóm đối tượng. Các mô hình truyền thông chưa được xây dựng và củng cố ở tuyến cơ sở... Chiến lược TT-GD-TT đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong việc thực hiện KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Tỉ lệ thực hiện các BPTT ngày càng tăng cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm sinh và qui mô gia đình ít con.

Sau Chiến lược TT-GD-TT thì có Chiến lược truyền thông chuyển đổi hành vi giai đoạn 2005-2010. Chiến lược này ra đời phù hợp với mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Nếu như ở Chiến lược TT-GD-TT chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, hướng tới chuyển đổi thái độ hành vi cho đối tượng, thì truyền thông chuyển đổi hành vi còn đòi hỏi việc cung cấp thông tin đầy đủ hơn, có kế hoạch và định hướng cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng và vùng, miền đặc thù, nhằm tiến tới đích là chuyển đổi thái độ hành vi một cách bền vững. Hay nói cách khác, truyền thông chuyển đổi hành vi mang tích chất sâu hơn, kỹ  hơn, toàn diện hơn. Tính bền vững của chương trình dân số chỉ có được khi mà người dân đã hiểu một cách sâu sắc, tự nguyện thực hiện hành vi sinh sản của mình.

Nhìn lại chặng đường truyền thông đã qua, từ lúc truyền thông sơ khai, đến TT-GD-TT và truyền thông chuyển đổi hành vi, gần 20 năm công tác truyền thông dân số đã thực sự phát huy vai trò then chốt thực hiện thắng lợi các mục tiêu DS-KHHGĐ.

Phát huy những thành quả đạt được trong giai đoạn qua, năm 2011 ngành DS-KHHGĐ sẽ tập trung ưu tiên triển khai các hoạt động truyền thông của mô hình: Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tránh những hệ lụy nghiêm trọng về thừa nam thiếu nữ trong tương lai; nâng cao chất lượng dân số qua các mô hình triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào dân tộc thiểu số… Các hoạt động cụ thể này từng bước nâng cao chất lượng dân số, nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của đất nước.

TRANG TUYẾT

.