Để những công trình thực sự là… trọng điểm

09:12, 01/12/2010
.

(QNg)- Công trình trọng điểm được xác định là những công trình quy mô lớn, có sức lan tỏa, tác động tích cực và góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện môi trường sinh thái, được tập trung chỉ đạo và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện, sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả… Thế nhưng, nhìn lại việc đầu tư và thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh những năm qua, thì buồn nhiều hơn vui!

* QUÁ NHIỀU CÔNG TRÌNH CHẬM TIẾN ĐỘ !
Hằng năm HĐND tỉnh ra nghị quyết, quyết định từ 8 - 10 công trình trọng điểm của tỉnh (trong đó có những công trình chuyển tiếp). Khi đã là "trọng điểm", thì các công trình này được ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện và được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn…    
 
Trong khi Hợp phần Công trình đầu mối đẩy nhanh tiến độ, bù phần chậm thi công, thì Hợp phần Di dân tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Nước Trong sau 5 năm thực hiện, khối lượng công việc chỉ hoàn thành khoảng 50% tổng mức đầu tư.
Trong khi Hợp phần Công trình đầu mối đẩy nhanh tiến độ, bù phần chậm thi công, thì Hợp phần Di dân tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Nước Trong sau 5 năm thực hiện, khối lượng công việc chỉ hoàn thành khoảng 50% tổng mức đầu tư.

Năm 2010 các công trình, dự án được xác định là trọng điểm của tỉnh gồm: Đường Trà Bồng - Trà My - Dung Quất, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư), đập dâng sông Trà Khúc, Hợp phần Di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư), đường Bàu Giang - Cầu Mới, Dự án Trường đại học Phạm Văn Đồng (do Ban Quản lý các dự án Đầu tư và Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư), các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong (do Ban Quản lý các khu công nghiệp làm chủ đầu tư), đường Phan Đình Phùng - nối dài, đường Lê Trung Đình (đoạn Nguyễn Du - Bà Triệu và đoạn Quang Trung - Nguyễn Bá Loan), đường Nguyễn Tự Tân, đường Trần Hưng Đạo (do UBND thành phố Quảng Ngãi làm chủ đầu tư) và Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - tiểu dự án Quảng Ngãi (do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi làm chủ đầu tư).

Chỉ nghe tên những công trình, dự án trọng điểm trên đã thấy nó có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế và xã hội. Nó sẽ góp phần tăng năng lực cho mạng lưới giao thông; chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, thu hút đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo, đắc lực phục vụ quốc kế dân sinh... nếu tiến độ thi công đảm bảo và sớm phát huy tác dụng. Thế nhưng, hầu hết dự án, công trình trọng điểm tiến độ thực hiện đều chậm. Một vài điển hình như:

Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, có tổng mức đầu tư trên 225 tỷ đồng, để xây dựng đập dâng có tổng chiều dài gần 1,2 km với đập tràn thực dụng và cống hở, kè bảo vệ hai bờ, âu thuyền, nhà - đường - điện quản lý… Khi hoàn thành, đập dâng Trà Khúc có nhiệm vụ giữ nước, tạo mực nước dâng hợp lý cho đoạn sông đi qua TP Quảng Ngãi, góp phần tạo cảnh quan và phục vụ du lịch, giải trí; bổ sung nguồn nước, bảo đảm bền vững cho việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và đời sống; ngăn mặn xâm nhập và hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt; bảo đảm thoát lũ và phát triển giao thông thuỷ…
 
Thế nhưng, với công trình này, từ ý tưởng xây dựng đến ngày khởi công phần trên bờ phải mất 8 năm: Năm 2002 có chủ trương đầu tư, năm 2004 phê duyệt, năm 2008 được HĐND tỉnh xác định là công trình trọng điểm, mãi đến ngày 25/9/2010 mới khởi công phần trên bờ. Sau lễ khởi công, việc thi công công trình này vẫn còn "án binh bất động". Vì thế không biết đến bao giờ mới đến lễ khánh thành?

Hợp phần Di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong được xác định là công trình trọng điểm từ năm 2005, nhưng đến cuối năm 2010 khối lượng hoàn thành chỉ đạt khoảng 50% so với tổng mức đầu tư. Trong khi đó, hợp phần Công trình đầu mối hồ chứa nước Nước Trong (do BQL Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 6 làm chủ đầu tư) đang gấp rút thi công, bù thời gian chậm, phấn đấu cuối năm 2012 hoàn thành, bàn giao, đưa công trình vào sử dụng. Hai hợp phần của Dự án hồ chứa nước Nước Trong phải song hành tiến độ, thì khi hoàn thành mới đảm đương được nhiệm vụ bổ sung nguồn nước, ổn định tưới cho 52.000 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho KKT Dung Quất, TP Vạn Tường, TP Quảng Ngãi, 7 huyện đồng bằng trong tỉnh; giảm ngập lụt và chống xâm nhập mặn vùng hạ du; phát triển du lịch, cải tạo môi trường sinh thái, phát điện…

Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh có chủ trương từ năm 2006, năm 2008 HĐND tỉnh xác định là công trình trọng điểm. Trung tuần tháng 7/2010 chủ đầu tư làm lễ khởi công. Sau lễ khởi công các nhà thầu không thi công ngay được, vì không có đường công vụ và còn phải tiếp tục giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tại TP Quảng Ngãi, công trình đường Trần Hưng Đạo có chủ trương từ năm 2003, năm 2004 dự án được phê duyệt, đến giữa năm 2010 chưa thi công và trình UBND tỉnh điều chỉnh phê duyệt dự án. Việc kéo dài thi công đường Trần Hưng Đạo đã gây ra nhiều hệ luỵ về giao thông và dân sinh. Và hàng loạt dự án khác trên địa bàn TP Quảng Ngãi như Trường đại học Phạm Văn Đồng, đường Bàu Giang - Cầu Mới… được xác định là trọng điểm từ  nhiều năm trước, nhưng đến nay khối lượng hoàn thành đạt thấp…

* ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Là người trực tiếp giám sát các công trình trọng điểm năm 2010, ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết: Công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán chưa đảm bảo, nên một số công trình phải chỉnh sửa, thay đổi quy mô, bổ sung hạng mục dẫn đến phải điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian.
 
Một số công trình được ưu tiên bố trí vốn nhưng không giải ngân hết, phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn sang những công trình khác; hoặc việc bố trí vốn dàn trải, không có nguồn để đầu tư cho những hạng mục đang thi công dở dang. Một số công trình do tính chất kỹ thuật phức tạp, địa hình, địa chất nơi triển khai dự án khó khăn, thời tiết biến đổi thất thường đã ảnh hưởng đến thi công.
 
Chủ đầu tư chưa chỉ đạo quyết liệt; năng lực quản lý, điều hành của một số ban quản lý dự án còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đáng chú ý là, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài nhiều năm, nên một số dự án  không thể thi công đúng tiến độ… Đó là những nguyên nhân làm cho công trình trọng điểm triển khai, thực hiện chậm.
 
 
Công trình đập dâng sông Trà Khúc sau lễ khởi công phần trên bờ, nhưng đến nay việc thi công vẫn còn "án binh bất động" (ảnh lớn)
Công trình đập dâng sông Trà Khúc sau lễ khởi công phần trên bờ, nhưng đến nay việc thi công vẫn còn "án binh bất động".

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, hầu hết các dự án thực hiện trên địa bàn TP Quảng Ngãi đều vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có dự án còn nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công như khu dân cư trục đường Bàu Giang - Cầu Mới có 117 hộ, Trường đại học Phạm Văn Đồng 154 hộ (thời điểm đầu tháng 11/2010). Những hộ này cho rằng, việc hỗ trợ, bồi thường, tái định cư chưa công bằng, chưa hợp lý. Điều này rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc để làm sáng tỏ những vấn đề dân bức xúc, phản ánh.

Ông Phạm Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Lộ cho biết: Từ những năm 2004 - 2005, người dân có đất đai liên quan đến dự án Trường đại học Phạm Văn Đồng và đường Bàu Giang - Cầu Mới đã có đơn gửi các cấp chính quyền. Họ bày tỏ sự bức xúc và cho rằng, việc đền bù, tái định cư như thế là chưa thoả đáng. Ông Minh đề nghị các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm và liên quan đến hai dự án trên, phải làm rõ cơ chế, chính sách đền bù, tái định cư và trả lời bằng văn bản để UBND phường Chánh Lộ có cơ sở giải thích, trả lời cho dân.

Có thể nói thêm rằng, về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc triển khai các dự án đầu tư vào Quảng Ngãi nói chung và thực hiện công trình trọng điểm của tỉnh nói riêng, đối với Quảng Ngãi đây là một khâu còn nhiều bất cập, tồn tại dai dẳng, chưa được khắc phục triệt để.

Việc giải phóng mặt bằng chậm có thể do quá trình thực hiện chưa thực sự công khai minh bạch, chưa công bằng giữa một số hộ dân. Hoặc công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cơ sở chưa được chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng mua bán, chuyển nhượng, cấp phép chưa đúng quy định. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư không đồng bộ, dẫn đến việc chuyển dân đến khu ở mới khó khăn. Bên cạnh đó vẫn còn một số hộ dân chây ỳ để mong hưởng được mức đền bù cao hơn, được cấp suất tái định cư nhiều hơn…

 Trong cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế đã nêu quyết tâm: Năm 2011 sẽ làm "cuộc cách mạng" về đền bù, giải phóng mặt bằng. Hy vọng, với quyết tâm chính trị này, công tác giải toả, đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh sẽ có bước chuyển về chất để các dự án, công trình không chậm tiến độ, không lỗi hẹn về thời gian hoàn thành vì ách tắc trong thi công.

* CẦN CÓ "TỔNG CHỈ HUY"
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình giao thông, ông Lê Viết Chữ - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi và ông Trưởng ban Quản lý Dự án Hợp phần Di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, than thở: Nhờ được chính quyền địa phương giúp đỡ rất khó khăn. Vì, giữa chủ đầu tư, UBND cấp huyện và xã chỉ quan hệ trong cơ chế phối hợp… Thực tế, nếu không có sự phối hợp tích cực của chính quyền nơi triển khai thực hiện các dự án, công trình, thì chủ đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và chuyển dân.

Về vấn đề trên có một bài học từ Trung ương. Khi xác định những công trình trọng điểm Quốc gia về dầu khí, Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban chỉ đạo. Nhờ có những cuộc họp giao ban, đôn đốc tiến độ thi công Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dưới sự chủ trì, chỉ đạo của PTT Hoàng Trung Hải mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ngãi, BQL Dự án NMLD Dung Quất, các Bộ: Tài chính, Công nghiệp, Xây dựng, Kế họach - Đầu tư, Giao thông vận tải… cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy này.

Xin nhắc lại chuyện cách đây ít năm, khi nhiều năm liền Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi được xem là "công trình trọng điểm". Thế nhưng, việc kéo dài thời gian thi công công trình này được xếp vào hàng kỷ lục. Điều này để lại dư luận không tốt trong xã hội. Quá bức xúc, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế phải trực tiếp chủ trì các cuộc họp giao ban tại công trình định kỳ hàng tháng, rồi hàng tuần để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc. Nhờ đó tiến độ thi công mới được đẩy nhanh. Đây có thể được xem là một "điển hình" của “công trình trọng điểm chậm tiến độ”.
 
Công trình đường Lê Trung Đình (đoạn Quang Trung - Nguyễn Bá Loan) vẫn còn ngổn ngang vì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Công trình đường Lê Trung Đình (đoạn Quang Trung - Nguyễn Bá Loan) vẫn còn ngổn ngang vì gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Với các công trình trọng điểm của tỉnh cũng rất cần có một "tổng chỉ huy" là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Có như vậy thì sự chỉ đạo tập trung, thống nhất bằng mệnh lệnh hành chính của UBND tỉnh đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố mới có hiệu lực và hiệu quả.

  Bài và ảnh: THANH TOÀN

.