Nỗi lo trước "họng" biển

09:10, 09/10/2010
.

(QNg)-  "Chỉ cần có nơi ở mới là bà con đi liền, chứ ở chỗ này sợ triều cường mỗi mùa mưa bão lắm" - một lão ngư ở xã Bình Hải (Bình Sơn) thổ lộ. Và đó cũng là mong ước của hàng chục hộ gia đình đang ở vùng ven biển Bình Sơn  đang sống trong vùng sạt lở ven biển bị triều cường đe dọa trong mùa mưa bão này. 

"Nghe bão là thót tim"
Những ngày cuối tháng 9, về thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, chúng tôi thấy vẫn còn đó sự hoang tàn của cơn bão số 9 cách đây vừa tròn năm. Đi dọc theo bờ biển thôn Phước Thiện có hàng loạt ngôi nhà không có người ở, chỉ còn trơ trọi bốn bức tường rêu đã lên xanh. Tôi hỏi chuyện một ngư dân đang vá lưới ở đây thì được biết, những gia đình ấy không đủ tiền sửa nhà cửa, nên rủ nhau đi tá túc ở nhà bà con. Chỉ một ngôi nhà không còn cửa và mái che, tường sụp xuống bờ biển, anh ngư dân bảo: Nhà đó là của chị Nguyễn Thị Liễu. Bão năm ngoái, sóng biển chụp lên cuốn trôi toàn bộ tài sản. Ngôi nhà lại bị sập, nên chị Liễu thành người trắng tay. Chị đựơc Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng không đủ để sửa lại nhà để ở. Bởi tường thì sập, mà móng ngôi nhà thì bị sóng biển cuốn trôi. Gia đình chị Liễu cũng được xã Bình Hải đưa về vùng tái định cư, nhưng suốt một năm qua chưa thấy gì. Không có chỗ để ở, 6 mẹ con chị đành về xin tá túc nương nhờ nhà bà ngoại.
 
Vết tích còn lại của những ngôi nhà bị sóng biển cuốn trôi ở cửa Sa Cần, xã Bình Thạnh (Bình Sơn).
Vết tích còn lại của những ngôi nhà bị sóng biển cuốn trôi ở cửa Sa Cần, xã Bình Thạnh (Bình Sơn).

Không chỉ riêng nhà chị Liễu, mà còn nhiều ngôi nhà khác, sân vườn cỏ mọc um tùm. Dọc theo bờ biển mấy trăm mét, chúng tôi chứng kiến những móng nhà bị sóng moi tận đáy. Có chỗ từng nhà và tường đá, cọc gỗ bà con đóng xuống chống sóng cũng suýt sụp xuống. "Mấy bữa nay nghe áp thấp nhiệt đới, nghe bão đến là thót tim, cháu ơi" - cụ Huỳnh Thị Bé (80 tuổi) ở xóm 1, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn nói buồn. Bà Bé có đến 8 người con. Một người chết do tai biến (cách đây 15 năm) để lại bà và đứa cháu ngoại vừa tròn 2 tháng tuổi, một người bị tâm thần; 6 người còn lại cuộc sống cũng không mấy khá giả nên không thể giúp đỡ lo lắng cho bà hằng ngày. Cả nhà dắt díu nhau ra bãi biển này dựng tạm cái lều tranh. Thế rồi ngày qua tháng lại dành dụm được ít tiền, bà cùng cô gái út làm được ngôi nhà cấp 4. Vậy mà chỉ được vài tháng, vào cuối tháng 9 năm ngoái triều cường bổ vào liên tục từng đợt sóng cao hơn nhà bà. 6 người trong nhà chỉ kịp chạy thoát thân. Mấy ngày sau, trở lại nhà chỉ còn lại nền xi măng bị xói lở loang lổ.

Bao giờ có nơi ở mới?
Tạm biệt xã Bình Hải, chúng tôi về cửa biển Sa Cần, thuộc xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Tại đây chúng tôi cũng chúng kiến cảnh những ngôi nhà nằm chênh vênh trên vực sạt lở, đang dần dần sụp sâu xuống dòng nước. Đây đó còn mấy cây cột bê tông chìm trong lòng nước. Vết tích còn lại trên mặt đất là mấy bờ tường gãy vụn và bờ sông bị nước xoi vào lở loét. Ông Hồ Thanh Lâm (53 tuổi), xóm Đông Thành 1, thôn Hải Ninh chỉ tay ra dòng nước phía trước, rồi bảo tôi: Hai lớp nhà đã chìm xuống nước trong bão lũ vừa qua. Mấy gia đình ấy đang đi ở nhờ nhà người quen trong xóm.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Chánh Nghĩa, ở xóm Cửa, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, chúng tôi thật xót xa. Anh Nghĩa vốn là con liệt sĩ. Sống bằng nghề sông nước nơi này, anh Nghĩa vất vả lắm mới xây dựïng được ngôi nhà khang trang. Thế nhưng chỉ qua một cơn bão, cơ ngơi ấy đã bị cuốn xuống biển và gia đình anh Nghĩa thành tay trắng. Cùng cảnh ngộ với anh Nghĩa còn có 17 hộ gia đình khác. Một năm qua những hộ dân này phải tá túc với người thân. Ai cũng trông ngóng chính quyền cho họ về nơi ở mới. Bởi chẳng ai còn một tí đất để cắm dùi. "Khổ thì cũng khổ rồi, thiên tai gây ra chứ có ai muốn đâu. Tôi và các hộ dân quanh đây chỉ ao ước một điều, của mất thì từ từ làm lại, chỉ mong sớm được về ở nơi tái định cư để ổn định cuộc sống" - anh Nghĩa giãi bày. 

Chúng tôi trao đổi việc này với ông Ngô Khắc Cân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn thì được biết: Trong số 18 hộ sạt lở ven biển lại bị sập nhà nói trên, đã có  16 hộ được huyện giao đất tái định cư tại khu tái định cư tây sông Trà Bồng, 2 trường hợp còn lại do xây dựng nhà ở trái phép nên không đựợc cấp đất tái định cư. Tuy nhiên vào đầu mùa mưa này các hộ trên mới nhận được đất, nên mùa mưa năm nay chưa hẳn họ đã có nhà để ở. Ông Cân cho biết thêm: Ngoài các hộ nói trên thì hiện nay ven cửa Sa Cần, xã Bình Thạnh còn 41 hộ  dân ở xóm Đông Thành, thôn Hải Ninh cũng nằm trong diện nguy cơ sạt lở, bị sóng biển cuốn đi không biết khi nào.

Còn ở xã Bình Hải, 25 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm bị triều cường đe dọa, sạt lở ven biển đến nay vẫn chưa có nơi ở mới để định cư. Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho hay:  25 hộ dân này nếu không có đất để xây nhà, thì phải che lều tạm để ở, một số thì đi ở nhờ người thân. Nguyện vọng của  các hộ dân trong vùng sạt lở và triều cường đe dọa là muốn về khu tái định cư mới xây dựng nhà kiên cố, tránh xa vùng triều cường nguy hiểm. Địa phương cũng đã quy hoạch gần 1 ha đất ở để cấp cho các hộ dân nói trên, nhưng 1 năm nay vẫn còn chờ  ý kiến trả lời của UBND huyện Bình Sơn và Ban lý Khu Kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên không chỉ có người dân 2 xã nói trên, mà còn có hàng chục hộ dân khác nằm ven biển, ven sông cũng đang khoắc khoải mong chờ được di dời.

Bao giờ dân nằm trong vùng sạt lở ven biển và bị triều cường đe dọa có chỗ ở mới? Đó là nỗi lo của dân cần sự trả lời có trách nhiệm của các ngành chức năng và chính quyền đối với tài sản và tính mạng của hàng trăm con người hiện đang sống trong vùng nguy hiểm ven biển...

Bài, ảnh: PHẠM ANH

.