Giúp nhau qua “Hũ gạo tình thương”

03:10, 27/10/2010
.

(QNĐT)- Lời nói hiệu triệu và cũng là hành động của Bác Hồ vào năm 1945: “Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”… Hội LHPN xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) xem đây là tiêu chí để thực hiện phong trào thi đua làm theo lời Bác, bằng việc xây dựng “Hũ gạo tình thương".

“Hũ gạo tình thương” – làm theo gương Bác
Những thẩu nhựa, thùng sơn… được chị em tận dụng làm hũ gạo, bên ngoài dán dòng chữ: “Hũ gạo tình thương” được đặt ở góc nhà của các hội viên phụ nữ ở 8 chi hội trong xã, đã trở thành một trong những mô hình thi đua làm theo gương Bác của Hội LHPN xã Nghĩa Thắng.

Chị Nguyễn Thị Hường- Chủ tịch Hội cho biết: Phong trào này bắt đầu từ cuối 2008, nhân kỉ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và hưởng ứng thiết thực cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
 
zd
“Hũ gạo tình thương” đã như một sợi dây nối liền những tấm lòng thơm thảo của các chị em lại với nhau.

Phong trào nhanh chóng được triển khai sâu rộng ở 8 chi hội. “Cứ mỗi ngày một nắm gạo, mỗi tuần, một tháng chúng tôi cũng dành dụm được vài chục ký gạo để giúp đỡ người nghèo trong thôn. Gia đình tôi cũng nghèo, nhưng tôi thấy còn nhiều người gặp hoàn cảnh éo le hơn mình, tôi nghĩ cách làm của chị em phụ nữ bằng mô hình này là thiết thực ý nghĩa”- Chị Sương thôn An Tráng bộc bạch.

Tính từ năm 2009 đến nay, chị em hội viên trong xã đã quyên góp gần 2.000 kg gạo, ngoài ra còn quyên góp tiền từ “ống tre tiết kiệm”, đã giúp cho hàng chục chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Nhân dịp các ngày lễ như 8/3, 20/10, chị em vận động “của ít lòng nhiều” để đóng góp vào Quỹ tình thương trị giá 3 triệu đồng để ủng hộ hội viên gặp khó khăn.

Mỗi tháng, các chi hội trong xã thu gom số gạo từ các gia đình, để phân chia đến tận tay những chị khó khăn. Nên thành thông lệ,  hội viên trong xã ý thức rất sâu sắc và coi đây là việc làm thường xuyên.

Đầu năm 2010, Ban chấp hành Hội phụ nữ xã còn vận động từ các hội viên với số tiền 2.200 đồng làm 10 sổ tiết kiệm, để cấp cho 10 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã.

Ngoài ra, chị em hội viên tại các chi hội, duy trì các tổ hùn vốn, giúp nhau trong sản xuất. Các chị em khá giúp đỡ chị em khó khăn mượn tiền không tính lãi, giúp ngày công giữa các hội viên… Hiệu quả phong trào giúp nhau, đã tạo điều kiện gắn kết tinh thần tương thân tương ái giữa phụ nữ trong địa phương thêm bền chặt.

* Một miếng khi đói bằng một gói khi no
Chị Nguyễn Thị Hải (thôn An Nhơn) cũng như nhiều chị em hội viên trong xã, xem phong trào “Hũ gạo tình thương” như một công việc không thể thiếu của gia đình. Chị Hải cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhờ Hội LHPN xã tạo điều kiện giúp tôi được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm vốn mua bán. Hiện tại, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi muốn làm một việc gì đó giúp ích cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn khác”.
 
 
fh
Thông qua "Hũ gạo tình thương" đã giúp cho hàng chục chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

Còn chị Tôn Thị Nguyệt hàng xóm chị Hải cho biết, mình tích cực tham gia phong trào này vì: “Mình còn may mắn hơn nhiều chị em khác, của ít lòng nhiều, mỗi bữa cơm, chia sẻ một nắm gạo chẳng có là bao mà mình lại có được niềm vui vì giúp được được chị em vượt qua những lúc ngặt nghèo”.
  

Nhiều chị em hội viên chia sẻ, cứ mỗi ngày 2 lần, lúc lấy gạo nấu cơm, các chị đều dành lại 1 nắm hoặc 1 lon gạo để cho vào “Hũ gạo tình thương” của gia đình.

Gần 2 năm qua, “Hũ gạo tình thương” đã như một sợi dây nối liền những tấm lòng thơm thảo của các chị em lại với nhau. Không những vậy, nó còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm giữa các chị em.

Chị Nguyễn Thị Thanh, có 3 con, chồng mất sớm, chị lại bị bệnh tim, nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, kinh tế gia đình thường xuyên thiếu trước hụt sau. Những lúc quá túng quẩn, có được 20kg gạo từ phong trào “Hũ gạo tình thương” của Chi hội Phụ nữ thôn An Lạc hỗ trợ, gia đình chị vượt qua những ngày khó khăn, nhất là thời điểm chị đau ốm, không đi làm được.

Chị Thanh chia sẻ: “Từ lúc phong trào “Hũ gạo tình thương” được triển khai đến nay, gia đình tôi thường xuyên nhận được gạo, mỗi lần vài 20kg gạo, nhiều lúc tôi cảm động đến phát khóc”.

Cũng như chị Thanh, gia đình chị Võ Thị Liên ở thôn An Nhơn, có hai con bị khuyết tật, nhận được hỗ trợ từ phong trào bộc  bạch: “Được các chị hỗ trợ gạo, xây nhà tình thương cho tôi, đó là những động lực giúp tôi cố gắng làm việc nhiều hơn để lo cho các con mình”. Đối với các chị em làm công tác Hội, đã gầy dựng và phát triển phong trào, phần thưởng lớn nhất có được chính là niềm vui, sự yêu mến, tin tưởng của bà con dành cho các chị.

Chị Hoa chia sẻ: “Chúng tôi là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mỗi lần tham gia phong trào, trực tiếp đến với các hoàn cảnh chị em khó khăn. Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của chị em khi nhận được giúp đỡ của Hội, chúng tôi như được khích lệ về tinh thần và quyết tâm duy trì mô hình này để giúp chị em được nhiều hơn. Rời các gia đình khó khăn của xã Nghĩa Thắng, hình ảnh của những “Hũ gạo tình thương” được xếp ngay ngắn ở mỗi góc nhà các gia đình, tôi chợt nhớ lời bài hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

.