Hội nghị đối ngoại toàn quốc

02:12, 14/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 14/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu trên toàn quốc và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
[links()]
 
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.
 
Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số cơ quan liên quan.
 
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. 
 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác và 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. 
 
Vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 
 
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ chủ trương đại đoàn kết dân tộc cũng như tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của kiều bào. 
 
Trong 5 năm qua, đã triển khai công tác bảo hộ đối với trên 50 nghìn công dân; trên 600 vụ việc, với gần 10 nghìn ngư dân. Tổ chức gần 800 chuyến bay đưa trên 200 nghìn công dân về nước an toàn trong đại dịch Covid-19. Công tác ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin kịp thời và hiệu quả. 
 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Hội nghị đã phân tích rõ tình hình khu vực và thế giới, làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, từ đó, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới.
 
Nhiệm vụ đặt ra là thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả ba trụ cột đối ngoại. Đó là, đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
 
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau hơn 35 năm đổi mới, công tác đối ngoại của đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu rất tốt đẹp. Đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam ngày nay đã thực sự "là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Công tác đối ngoại góp phần quan trọng để đưa đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
 
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị đánh giá và dự báo đúng tình hình trong nước và quốc tế; không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và xu thế thời đại. Công tác đối ngoại đòi hỏi phải nhạy bén, vượt tầm quốc gia nhằm xây dựng tâm thế, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. 
 
Cần phải quán triệt sâu sắc đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác đối ngoại, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, "dĩ bất biến ứng vạn biến"; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế. 
 
Cần gắn kết hài hoà, chặt chẽ, có hiệu quả với đường lối, chính sách quốc phòng- an ninh và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; xây dựng, triển khai các đường lối, chính sách phù hợp, phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
 
 
Tin, ảnh:  ÁI KIỀU
 

.