Học Bác bằng tình thương và trách nhiệm

10:05, 19/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cán bộ, đảng viên tiết kiệm chi tiêu để hỗ trợ người nghèo; giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp bằng cái tâm trong sáng; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao... Đó là những việc làm cụ thể của nhiều cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo lời Bác.

TIN LIÊN QUAN

Hết lòng vì học sinh vùng cao

Đến thăm Trường Tiểu học Trà Nham (Tây Trà), chúng tôi thật sự bất ngờ trước màn nhảy chachacha rất thuần thục của học sinh cùng với các trò chơi dân gian nhảy sạp vui nhộn, thu hút nhiều học sinh tham gia. Người xây dựng môi trường “vừa học, vừa chơi” này chính là cô Ngô Thị Hoa, hiệu trưởng nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nham (Tây Trà)  Ngô Thị Hoa tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nham (Tây Trà) Ngô Thị Hoa tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó.


Cô giáo Hồ Thị Thúy, dạy ở Trường Tiểu học Trà Nham cho biết: Hằng ngày, chứng kiến học sinh thích thú học tập và vui chơi trong mái trường này, chúng tôi rất cảm kích công sức của cô Hoa. Với tấm lòng vì học trò, nên cô không ngại bất kỳ khó khăn nào. Thắt lòng nhìn các em co ro trong chiếc áo mỏng đến trường vào mỗi mùa đông, cô Hoa đã chia sẻ trên mạng xã hội về nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn của học trò.

Và thế là, những món quà với những tấm áo, chiếc quần, sách vở, thậm chí cả gói bánh, cân gạo... được nhiều người khắp cả nước san sẻ gửi về trong niềm hạnh phúc của cô và trò. Đặc biệt, các mạnh thường quân đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 7 phòng học mới thay thế cho các phòng học tạm bợ, xây dựng sân trường, làm đường đi, lắp đặt hệ thống nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh... Khi trường học thật sự trở thành mái nhà thân thương của học sinh nghèo, trong 3 năm trở lại đây, Trường Tiểu học Trà Nham không còn tình trạng học sinh bỏ học.
 

"Để giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, thầy, cô giáo phải thật sự là những tấm gương sáng để học sinh noi theo”.    
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nham (Tây Trà) NGÔ THỊ HOA    

“Trên cương vị là người quản lý, tôi luôn tâm niệm, làm sao để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Để giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, thầy, cô giáo phải  thật sự là những tấm gương sáng để học sinh noi theo”, nữ hiệu trưởng từng có 22 năm gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số, chia sẻ.

Giúp đỡ người dân thoát nghèo  

Cũng ở huyện Tây Trà, cán bộ, đảng viên học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể, thiết thực, đó là giúp đỡ các hộ dân thoát nghèo. Gia đình ông Hồ Văn Đông, ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh là một trong 20 hộ được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương vào đầu năm 2018. Với sự giúp sức của 3 cơ quan gồm: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Kho bạc huyện và Trường Tiểu học Trà Lãnh, gia đình anh Đông hiện có 2 con bò trị giá 25 triệu đồng, 2ha rừng trồng keo và quế...

Anh Đông phấn khởi chia sẻ: "Trước đây nhà tôi nghèo lắm. Nuôi heo, nuôi gà chăm không đúng cách, có đất rừng cũng không biết trồng loại cây gì, nên cho người ta làm. Trong năm 2017, được các cơ quan nhận đỡ đầu, hỗ trợ tiền để mua bò, làm chuồng trại, chỉ dạy cho cách trồng và chăm sóc keo... nhờ đó mà gia đình tôi đã biết cách làm kinh tế, thoát khỏi hộ nghèo".

Gia đình anh Đông là một trong số 36 hộ được giúp đỡ từ mô hình “giảm 1 hộ nghèo”, được huyện Tây Trà triển khai từ tháng 8.2017. Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh cho biết: Mô hình này được xây dựng xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và trước thực trạng Tây Trà là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công 99 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 36 hộ ở 36 thôn, tại 9 xã trong toàn huyện. Việc phát động giảm nghèo này kinh phí không lấy từ ngân sách mà từ tiền tiết kiệm, đóng góp của cán bộ, đảng viên bằng những cách làm khác nhau, sự hỗ trợ khác nhau. Tuy mới triển khai 8 tháng, nhưng đã giúp được 30/36 hộ thoát nghèo. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo khác, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 75,08% (năm 2016) giảm còn 70,5% (tính đến tháng 5.2018). Đây cũng là năm tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất từ trước đến nay ở huyện Tây Trà.

Còn tại xã Bình Trung (Bình Sơn), đảng viên chi bộ quân sự xã làm theo lời Bác bằng nghĩa cử tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Mô hình mang tên gọi “Mãi mãi tri ân” được chi bộ triển khai từ đầu năm 2018 và đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở địa phương. Đã có 8 ngôi nhà chính sách được đảng viên luân phiên chăm sóc, dọn dẹp hằng tháng.

Anh Võ Tấn Huân, đảng viên Chi bộ Quân sự xã Bình Trung cho biết: Hầu hết các ngôi nhà này được hỗ trợ xây dựng đã lâu, sau khi chủ nhà qua đời thì không có người thờ cúng, hoặc trông nom. Công việc chăm sóc nhà tình nghĩa cũng đơn giản thôi, chỉ đến dọn dẹp  cho sạch sẽ, tươm tất, thắp những nén hương để làm ấm lòng những người đã khuất, trang trí bàn thờ cho ấm cúng, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" theo lời dạy của Bác.

Cách làm khác nhau, tên gọi khác nhau nhưng việc làm của cô giáo Hoa, của cán bộ, đảng viên ở huyện Tây Trà và đảng viên Chi bộ Quân sự xã Bình Trung... đều xuất phát từ tình thương và trách nhiệm, học và làm theo lời Bác.


 Bài, ảnh: SA HUỲNH

                                    
            
 


.