Luân chuyển cán bộ trẻ tuổi: Từ chủ trương đến thực tiễn (kỳ 2)

08:04, 27/04/2017
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý



(Báo Quảng Ngãi)- Cơ sở là "trường học thực tế" hiệu quả, là thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ được luân chuyển. Vì vậy, cùng với công tác tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo... cấp ủy các cấp còn chú trọng đặc biệt đến công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở và ngược lại...

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015- 2020, các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ về cơ sở và luân chuyển ngang giữa các ngành, địa phương. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, chủ động, kết hợp việc kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở với công tác luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế cận...
 

Công tác cán bộ của tỉnh trong thời gian đến là phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, có trình độ, kinh nghiệm thực tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tôi tin tưởng các đồng chí cán bộ trẻ sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sức trẻ, năng lực của bản thân khi về cơ sở, nắm bắt và giải quyết tốt các vấn đề, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy LÊ VIẾT CHỮ cho biết.

Bài học sáng tạo từ Bình Sơn

Cùng với luân chuyển cán bộ về cơ sở, luân chuyển giữa các phòng, ban trong huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn còn tiên phong trong công tác đào tạo cán bộ. Đó là thành lập 3 tổ công tác, gồm 18 cán bộ lãnh đạo các phòng, ban của huyện để tăng cường về cơ sở với phương châm: “Hướng về cơ sở - Rèn luyện cán bộ”. Nơi để cán bộ "rèn luyện" là 3 xã (Bình Chánh, Bình Long và Bình Tân) có nhiều tồn tại cần được giải quyết. Mỗi tổ công tác do 1 ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy làm tổ trưởng, 1 huyện ủy viên làm tổ phó và 4 thành viên là trưởng, phó các phòng, ban có trong nguồn quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ 2020-2025, cán bộ trẻ có triển vọng phát triển.

Thời gian về cơ sở từ 6 tháng đến 1 năm, với các nhiệm vụ cụ thể được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ định. Như tại xã Bình Tân, tổ công tác có nhiệm vụ chấn chỉnh tình trạng xây nhà trái phép, giải quyết những vướng mắc trong quản lý đất đai; đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ...

Với xã Bình Long và Bình Chánh, tổ công tác có nhiệm vụ vận động dân bàn giao mặt bằng cho các dự án, công trình trọng điểm; tìm giải pháp giảm thiểu tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài, huy động người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn... Mỗi tổ công tác được huyện hỗ trợ 200 triệu đồng để thực hiện những hạng mục công trình thiết yếu theo đề xuất của dân.

Cán bộ huyện Bình Sơn về kiểm tra thi công đường giao thông nông thôn ở xã Bình Long.            Ảnh: T.T
Cán bộ huyện Bình Sơn về kiểm tra thi công đường giao thông nông thôn ở xã Bình Long. Ảnh: T.T


Đầu năm 2017, huyện Bình Sơn cũng đã thực hiện luân chuyển 8 đồng chí (đa số đều dưới 40 tuổi), trong đó có  2 đồng chí được luân chuyển về xã (có 1 cán bộ dưới 35 tuổi làm Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú). Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết, huyện kết hợp cả hai giải pháp, vừa luân chuyển, vừa tăng cường để cán bộ trẻ học hỏi từ những đồng chí có kinh nghiệm trong giải quyết nhiệm vụ ở cơ sở, rút kinh nghiệm cho bản thân khi đảm nhận những vị trí chủ chốt trong tương lai. Mỗi năm, huyện sẽ đưa từ 2 -3 cán bộ trẻ đang giữ chức vụ trưởng, phó phòng nằm trong diện quy hoạch của huyện về xã để đào tạo cán bộ.

Việc luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở không chỉ bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho cơ sở, mà còn tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề tồn tại ở cơ sở bằng phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, công tâm, khách quan, không bị áp lực, chi phối bởi các “mối quan hệ” trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là trường học để cán bộ trẻ học tập, rèn luyện và thể hiện khả năng nắm bắt, phát hiện những vấn đề từ thực tiễn, tham mưu giúp cấp ủy đề ra những giải pháp khả thi trong quá trình chỉ đạo nhiệm vụ ở cơ sở.
 

Để tạo điều kiện và luân chuyển cán bộ trẻ về nắm chức vụ chủ chốt ở cơ sở, huyện sẽ rút một số cán bộ ở xã bố trí ở những vị trí phù hợp. Ban Thường vụ luôn quan tâm theo dõi, giúp đỡ số cán bộ được luân chuyển về cơ sở để vừa tạo nguồn cán bộ kế cận, vừa phục vụ có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống nhân dân".
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn HÀ THỊ ANH THƯ

Rà soát, bổ sung để nâng chất lượng cán bộ

 Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy về công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Theo đó, điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn; tăng cường cán bộ cho những cơ sở có nhu cầu cấp bách, đặc biệt là những nơi có vấn đề về đoàn kết nội bộ, có năng lực lãnh đạo, điều hành còn hạn chế...

Đây được coi là bước làm mới trong công tác tổ chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, cho biết: Cách làm của thành phố là, không luân chuyển cán bộ đã lớn tuổi; không luân chuyển kiểu "đi nhanh về sớm", mà phải có thời gian thực hiện nhiệm vụ, để có cơ sở đánh giá năng lực cán bộ. Trước khi luân chuyển, Ban Thường vụ Thành ủy gặp gỡ, trao đổi đặt hàng cho cán bộ; đồng thời lắng nghe những đề xuất, ý tưởng công tác của cán bộ luân chuyển, nhằm tránh tình trạng áp đặt hoặc tư tưởng đi cho xong nhiệm vụ.

Thành phố Quảng Ngãi có nhiều thuận lợi trong việc luân chuyển cán bộ về cơ sở, vì ngay từ đầu vào, thành phố đã chú trọng đến chất lượng đào tạo khi tuyển chọn cán bộ (yêu cầu tốt nghiệp đại học chính quy), tiêu chuẩn chính trị. Thành phố hiện có 10 cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đang giữ chức vụ trưởng, phó các phòng, ban; là địa phương rất quyết liệt trong công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ trẻ. Thành công trong công tác này là nhờ thực hiện chặt chẽ giữa cán bộ luân chuyển với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cán bộ đi và nơi tiếp nhận cán bộ; đồng thời chọn đúng người, đúng địa phương để thực hiện.

Cán bộ trẻ đã và đang góp phần vào việc cải cách hành chính ở cơ sở. Ảnh: PV
Cán bộ trẻ đã và đang góp phần vào việc cải cách hành chính ở cơ sở. Ảnh: PV


Hiện nay, công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch  cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tới, đã được các cấp ủy thực hiện có hiệu quả. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ cũng sẽ được thực hiện quyết liệt hơn. Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình, cho rằng: Sau đại hội, huyện đã điều động, luân chuyển 3 cán bộ trẻ dưới 35 tuổi về làm Bí thư Đảng uỷ các xã: Hành Phước, Hành Đức và thị trấn Chợ Chùa. Việc đưa cán bộ trẻ dưới 35 tuổi xuống cơ sở là một chủ trương đúng đắn, sát thực và phù hợp với điều kiện của huyện, nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ cho cơ sở, nhưng đồng thời giúp huyện có đội ngũ cán bộ kế cận sau này.

Để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn yêu cầu cấp ủy các cấp xây dựng quy hoạch cán bộ phải đi đôi với xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ; kiên quyết khắc phục tình trạng quy hoạch mang tính hình thức, thiếu khoa học và thực tiễn... Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Sơn Tịnh Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, về nguyên tắc chung là đưa cán bộ trẻ về cơ sở là để phát triển sau này. Do đó, nếu đồng chí nào thể hiện được năng lực lãnh đạo, điều hành tốt; có ý thức trong rèn luyện phẩm chất đạo đức thì sau khi hết thời gian luân chuyển, sẽ được tổ chức quan tâm bố trí ở những vị trí cao hơn.

Với chủ trương mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự quan tâm của các cấp ủy, trong thời gian đến Quảng Ngãi sẽ có một đội ngũ cán bộ trẻ có đầy đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đủ sức lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế.
 

Thanh Thuận – Bá Sơn

----------------------------------------------------

Kỳ 3: Nguồn cán bộ trẻ cho miền núi - Khó trăm bề




 


.