Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7.4.1907 – 7.4.2017):
Đồng chí Lê Duẩn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07:04, 07/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất thân trong một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Duẩn sớm giác ngộ cách mạng, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đi theo con đường cách mạng vô sản. Trong những năm tháng ấy, đồng chí có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

TIN LIÊN QUAN

Cuộc đời hoạt động gần 60 năm (có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng) của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đồng chí đã tham gia hoạt động ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam; từng trải qua nhiều thử thách, gian nan, luôn gần gũi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động.

Hết lòng vì Đảng, vì dân

Đồng chí Lê Duẩn là một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí đã hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được sự dìu dắt, chỉ đạo của Người, nên có điều kiện tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động. Đó là lối sống giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì Đảng, vì dân.

Điều này được thể hiện tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11.1939) do đồng chí Lê Duẩn và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: Từ đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chuyển sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai... Đây cũng là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới - Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp gỡ nông dân xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (1985). Ảnh: TL
Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp gỡ nông dân xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (1985). Ảnh: TL


Trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao. Đồng chí vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia ruộng đất cho dân nghèo... và đi đến làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch đánh chiếm Nam Bộ...

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã soạn thảo văn kiện “Đề cương cách mạng miền Nam”, góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, tạo ra phong trào Đồng Khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta biến đau thương thành hành động cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện xuất sắc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục lãnh đạo đất nước ta đứng vững trước những thử thách khắc nghiệt trong những năm sau chiến tranh, với bao biến động chính trị quốc tế to lớn, để tiếp tục tiến lên con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa.

Bài học về công tác xây dựng Đảng

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn thể hiện là một nhà lý luận sâu sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam. Đối với lĩnh vực xây dựng Đảng, đồng chí chỉ rõ: Phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và sự đoàn kết trong Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền - đoàn thể; mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân.

Học viên lớp cao cấp lý luận chính trị-hành chính K39B-Học viện Chính trị khu vực III trong một chuyến thực tế tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). ẢNH: H.TRIỀU
Học viên lớp cao cấp lý luận chính trị-hành chính K39B-Học viện Chính trị khu vực III trong một chuyến thực tế tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). ẢNH: H.TRIỀU


Không ngừng nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, sức chiến đấu của Đảng, chăm lo củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động...; lời nói đi đôi với việc làm, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Muốn vậy phải kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, ra sức học tập và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh... Noi gương Bác Hồ, đồng chí luôn chăm lo, góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế; thường xuyên nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng quốc tế và theo dõi những diễn biến của tình hình thế giới để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Duẩn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm đoàn kết, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7.4.1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ năm 1926 và đến năm 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó bị thực dân Pháp bắt kết án 20 năm cầm cố và giam ở các nhà lao Hỏa Lò, Sơn La và Côn Đảo. Đến năm 1936 đồng chí được trả tự do. Năm 1937, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1939, tham gia Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo lần 2. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền. Từ năm 1946- 1954, đồng chí là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam...

Từ 1954-1957, đồng chí tiếp tục ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 9.1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, đảm nhận trọng trách Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng và giữ cương vị này 15 năm. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng...

 

Phú Đức

 


.