Tìm hiểu tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa và con người Việt Nam

02:04, 07/04/2012
.

Đồng chí Lê Duẩn sinh năm 1907, 21 tuổi đồng chí tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí trở thành Đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. 1931 - Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. 1937 – Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1939 - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, 1952 - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy rồi Bí thư Trung ương cục Miền Nam. Từ năm 1960 đến 1986 là Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 
Đồng chí Lê Duẩn với cán bộ chiến sỹ. Ảnh: Tư Liệu
Đồng chí Lê Duẩn với cán bộ chiến sỹ. Ảnh: Tư Liệu
Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX đã diễn ra 3 sự kiện vĩ đại nhất đó là: Cách mạng tháng 8-1945 mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; các cuộc chiến tranh cách mạng chống lại sự xâm lược của những tên đế quốc hung bạo nhất vì độc lập tự do của Tổ quốc và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là những trang sử chói lọi nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đồng chí Lê Duẩn là một trong những người mà toàn bộ cuộc đời của ông không chỉ gắn liền với những sự kiện đó mà còn là một trong những người có công lao to lớn, và cống hiến xuất sắc nhất.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng, ông được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng trên cả ba miền của đất nước, trải qua những thăng trầm và những thời điểm bước ngoặt của tiến trình cách mạng Việt Nam. Với một tầm cao trí tuệ, suốt đời say mê tìm tòi chân lý, với bản lĩnh của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, với tư duy độc lập sáng tạo gắn chặt với tổng kết thực tiễn, đồng chí Lê Duẩn đã tiếp thu bản chất cách mạng, khoa học và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần rất quan trọng trong việc hình thành đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, trong các cuộc chiến tranh giải phóng, trong sự nghiệp xây dựng Đảng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thiên tài trí tuệ và sự sáng suốt của đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện nổi bật trước những bước ngoặt của lịch sử và những tình huống phức tạp.

Đồng chí Lê Duẩn đã có những công lao to lớn, những đóng góp xuất sắc trong việc hình thành hệ thống những tư tưởng chiến lược chủ yếu của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ, trong các cuộc chiến tranh cách mạng và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong kho tàng di sản tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn thì hệ thống các quan điểm tư tưởng của đồng chí về văn hóa Việt Nam; về con người Việt Nam xây dựng nền văn hóa mới và con người Việt Nam là di sản vô cùng quý báu và vẫn giữ nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Gần 60 năm hoạt động cách mạng là gần 60 năm đồng chí Lê Duẩn nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn, gần 60 năm say mê suy nghĩ tìm tòi, trăn trở để trả lời cho được những vấn đề mới nảy sinh, những vấn đề bức xúc mà cuộc sống đặt ra với tư duy tự do độc lập, sáng tạo. Đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam để hình thành hệ thống tư tưởng về văn hóa và con người Việt Nam đồng thời hình thành đường lối xây dựng nền văn hóa mới, con người mới Việt Nam của Đảng ta trong thời kỳ cả nước xây dựng CNXH.
 
Những nội dung cơ bản của đường lối này là: “Nền văn hóa mới là nền văn hóa có nội dung XHCN và tính chất dân tộc. Nền văn hóa ấy được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng làm chủ tập thể XHCN. Nó vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả văn minh loài người, những thành tựu văn hóa, khoa học hiện đại, vừa là sự kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống bốn nghìn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hóa Việt Nam.
 
Đó là truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường và mưu trí trong đấu tranh cho độc lập và tự do; là tình thương giữa những người lao động; là đức tính cần cù sáng tạo và lạc quan yêu đời. Đó còn là chủ nghĩa quốc tế vô sản đã bắt rễ vào đời sống tinh thần của nhân dân ta từ ngày có Đảng đến nay. Nền văn hóa ấy là sự kết hợp hài hòa những tinh hoa văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
 
Xây dựng nền văn hóa mới là quá trình xây dựng, vun đắp những tư tưởng đúng, những tình cảm lành mạnh, những phong tục tập quán đa dạng, đồng thời là quá trình đấu tranh không khoan nhượng chống tư tưởng tư sản, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng thực dân, phong kiến, những nhân tố lạc hậu trong đời sống văn hoá của xa hội ta".

"Chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có những con người mới phù hợp với nó, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa".

Con người mới vừa là sản phẩm của xã hội mới vừa là chủ thể có ý thức xây dựng nên xã hội mới. Tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là tạo ra những điều kiện xã hội hết sức quan trọng để có con người mới. Song con người mới không thể hình thành một cách tự phát mà phải trải qua quá trình xây dựng một cách tích cực và chủ động. Hơn nữa hoàn cảnh nước ta đòi hỏi chúng ta và cho phép chúng ta xây dựng sớm và xây dựng từng bước con người mới, không phải chờ đến sau khi có sự phát trìển cao của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Làm như thế thì ba cuộc cách mạng sẽ được đẩy mạnh hơn, xây dựng một cách nhanh chóng hơn".

"Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người Việt Nam mới mà những đặc trưng nổi bật là làm chủ tập thể, lao động, yêu mến xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản. Đó cũng là sự kết tinh và phát triển nên những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn và cốt cách Việt Nam hun đúc qua bốn nghìn năm lịch sử.

Con người mới là con người có tư tưởng đúng và tình cảm đẹp, có tri thức và năng lực để làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân.

"Con người mới tất yếu phải là con người lao động, lao động với tinh thần tự nguyện, tự giác cao, với đầy đủ nhiệt tình, tận tuỵ, sẵn sàng cống hiến mọi trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là con người có tinh thần cách mạng tiến công, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào, coi lao động là vinh dự, là hạnh phúc, là lẽ sống, là con người lao động thật thà, kiên quyết đoạn tuyệt với thái độ chây lười, khinh lao động, nói dối, làm dối; là con người biết quý trọng và bảo vệ của công, lao động một cách có kỷ luật, có kỹ thuật, có sáng tạo và đạt năng suất cao".

"Con người mới là con người có tình thương yêu sâu sắc đối với nhân dân, biết đoàn kết hợp tác, giúp đỡ nhau trong lao động, chiến đấu và xây dựng cuộc sống mới, lấy việc xây dựng cuộc sống tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người, là lý tưởng cao đẹp, là hạnh phúc lớn của mình".

"Con người mới là con người biết xây dựng gia đình hạnh phúc trên cơ sở của một xã hội hạnh phúc, có trách nhiệm đầy đủ và tình yêu chân thật trong quan hệ vợ chồng, có trách nhiệm cao đối với việc xây dựng con cái thành những con người mới".

"Xây dựng con người mới Việt Nam như vậy là xây dựng con người phát triển toàn diện, có cuộc sống tập thể và cuộc sống cá nhân hài hoà, phong phú".

"Con người là sản phẩm của các quan hệ xã hội. Phải bằng kết quả tổng hợp của cả ba cuộc cách mạng, phải thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua lao động và đấu tranh thì những thành viên trong xã hội mới cải tạo được mình và dần dần trở thành con người mới. Việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng phải xuất phát từ yêu cầu xây dựng con người mới, phải nhằm đảm bảo những điều không cần thiết để đẩy mạnh xây dựng con người mới.

“Phải xây dựng con người mới từ lúc lọt lòng và ở tất cả mọi lứa tuổi trong tất cả các tổ chức quần chúng, các cơ sở kinh tế, văn hóa, các hoạt động xã hội ở mọi ngành mọi cấp, trong từng khu phố, thôn xóm và gia đình. Phải xây dựng con người mới từ những con người ra đời trong chế độ mới và những con người ra đời trong chế độ cũ để lại”.

“Xây dựng con người mới là công việc rất công phu. Nó phải được tiến hành một cách có tổ chức, có kế hoạch, trên quy mô toàn xã hội và đối với từng người phải có nhiều biện pháp về các mặt tư tưởng và tổ chức, giáo dục và hành chính, chính trị và văn hóa, pháp chế và kinh tế ...

Trong các biện pháp tiến hành cách mạng tư tưởng – văn hóa, áp dụng phổ biến phương pháp tự phê bình và phê bình là biện pháp có tầm quan trọng đặc biệt. Việc xây dựng con người mới phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ đồng thời phải có những đợt vận động tập trung, phải qua nhiều phong trào, phong trào của nhân dân nói chung, phong trào của từng đoàn thể, từng giới, từng lứa tuổi nói riêng, nhất là phong trào lao động sản xuất.

Tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm tư tưởng của đồng chí Lê Duẩn về văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam, những định hướng, giải pháp chiến lược trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới sẽ giúp chúng ta nhân lên nguồn sức mạnh của trí tuệ, và tình cảm cách mạng, phấn đấu xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hình thành trong các thế hệ người Việt Nam những phẩm chất cao quý: có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước phát triển giàu mạnh bền vững, có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, qui ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập nâng cao hiểu biết trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Với những công lao to lớn và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã đi vào lịch sử như một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX./.



Theo PGS.TS Đào Duy Quát
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
 
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
 

.