Công tác nhân sự đại biểu HĐND các ở huyện miền núi

08:03, 14/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu đặt ra của bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với các huyện miền núi là làm sao lựa chọn được những người có đủ tài, đức, xứng đáng là người đại diện của nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Đến thời điểm này, các huyện miền núi trong tỉnh đang tập trung lãnh đạo công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, ngoài đảng... được cơ cấu, giới thiệu đạt và vượt so với quy định. Chất lượng các ứng cử viên được giới thiệu đảm bảo theo quy định. Đây là những đại biểu đã trải qua thực tiễn công tác, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, sâu sát cơ sở, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm.

Cử tri huyện Sơn Hà bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi và bầu đại biểu HĐND 3 cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: TƯ LIỆU
Cử tri huyện Sơn Hà bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi và bầu đại biểu HĐND 3 cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ảnh: TƯ LIỆU


Ông Đinh Kà Để - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tây, cho biết: Qua rà soát, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phần lớn cán bộ các cấp trong huyện đều cơ bản đạt chuẩn. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là đề cử, giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp phải là người có trình độ, tiếp thu, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người dân; đề đạt được nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến các cấp thẩm quyền. Mặt khác, cùng với các tiêu chuẩn của đại biểu đã được quy định, huyện ưu tiên giới thiệu những người có bản lĩnh, mạnh dạn đấu tranh vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Đối với đại biểu HĐND cấp xã, huyện Sơn Tây chỉ đạo các xã dựa vào đặc thù của địa phương để cơ cấu, giới thiệu đại biểu ứng cử. “Dù không nặng về trình độ chuyên môn, nhưng điều kiện đầu tiên phải là những người tiêu biểu của địa phương, sản xuất kinh doanh giỏi, có hiểu biết. Tiếp đến là gia đình phải chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... Người đáp ứng các tiêu chí trên đối với Sơn Tây là không khó”, ông Để khẳng định.

Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng thì cho biết,  tiêu chuẩn, cơ cấu cán bộ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp ở huyện đều đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, bất cứ cá nhân nào khi được giới thiệu ra ứng cử, huyện đều sàng lọc kỹ và phải xem xét, đánh giá qua thực tiễn cá nhân đó có đóng góp, cống hiến gì cho quê hương, cho dân; đấu tranh vì lẽ phải, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tiêu chí này đối với HĐND cấp xã tuy hơi cao, nhưng huyện tin rằng sẽ sàng lọc, đáp ứng được yêu cầu. “Nếu người ứng cử đại biểu HĐND là cán bộ Đảng, Nhà nước thì càng phải thể hiện ý chí của một người đại diện cho nhân dân. Đây là những điều kiện tiên quyết để huyện giới thiệu ra ứng cử”, ông Dũng khẳng định.

Còn theo ông Hồ Hoàng Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Trà thì cái khó của huyện là việc giới thiệu đại biểu ứng cử HĐND hai cấp ở Tây Trà phải đảm bảo yêu cầu về năng lực và cơ cấu, thành phần hợp lý. Bởi lẽ, so với các huyện miền núi trong tỉnh thì trình độ dân trí, trình độ chuyên môn và năng lực cán bộ ở Tây Trà còn có phần hạn chế, nhất là cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, không phải vì cơ cấu mà huyện không quan tâm đến yếu tố chất lượng. Qua hiệp thương, các ứng cử viên đại biểu HĐND huyện đảm bảo 100% yêu cầu. Tuy nhiên, ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã  mới chỉ đạt 60 - 70% so với mục tiêu, yêu cầu mà huyện đặt ra.

Còn ở huyện Trà Bồng, nhiệm kỳ này huyện ưu tiên cơ cấu đại biểu ở các ban đảng, đoàn thể chính trị -xã hội, giảm ứng viên ở các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện để HĐND có tiếng nói trọng lượng hơn. Riêng đại biểu HĐND cấp xã, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các địa phương khi giới thiệu đại biểu ở các thôn phải là những người biết đọc, viết được, có trình độ và sự hiểu biết nhất định.

BÁ SƠN
 


.