Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp: Cần lựa chọn những đại biểu xứng đáng

01:03, 12/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, nhiệm kỳ 2016-2021 đang bước vào giai đoạn hiệp thương lần 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Đây là giai đoạn quan trọng để lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.

TIN LIÊN QUAN

Đến thời điểm này, các tổ chức, cơ quan, đơn vị vẫn đang tiến hành giới thiệu người của mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp dựa trên cơ sở cơ cấu, thành phần, số lượng được phân bổ. Theo đó, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giới thiệu người ra ứng cử đại biểu dân cử phải đưa ra những ứng viên đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chung của đại biểu dân cử, tương đương nhau về tâm, tầm, bản lĩnh, để cử tri thể hiện quyền dân chủ trực tiếp lựa chọn và quyết định.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát tái định cư, dự án di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong.
Thường trực HĐND tỉnh giám sát tái định cư, dự án di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong.

 

“Trong công tác hiệp thương, yếu tố lựa chọn đại biểu rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến chất lượng đại biểu. Đại biểu không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, kiến thức, năng lực đạt tiêu chuẩn mà còn có cả yếu tố nhiệt tình, tâm huyết, luôn quan tâm tới quyền lợi của nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân và phải có thời gian thỏa đáng dành cho công việc của một đại biểu dân cử”.
Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh.

Thực tế cho thấy, chất lượng đại biểu dân cử quyết định chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là nhiệm vụ xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát. Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội, HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Họ đã tham gia vào việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, ra quyết định đúng đắn về quy hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đại biểu Quốc hội, HĐND cũng đã phát huy vai trò tích cực của mình trong hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND, các ban của HĐND để tổ chức các đoàn giám sát, nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, nhiều kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Ngãi liên quan đến ngư dân, biển đảo, cơ chế chính sách... đã được Trung ương tiếp thu và được đánh giá cao; nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động dân cử. Từ đó mà vai trò, vị thế của Quốc hội, HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định, cử tri ngày càng tin tưởng vào Quốc hội, HĐND, bởi cơ quan dân cử, các đại biểu dân cử đã nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở để ban hành các quyết sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực như trên, cũng cần nhìn nhận khách quan hoạt động của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, đại biểu còn ngại va chạm trên diễn đàn trong hoạt động giám sát, chất vấn, cũng như trong tiếp xúc cử tri... Chính vì vậy, tập trung lãnh đạo tốt ngay từ công tác chuẩn bị nhân sự theo quy trình là khâu then chốt, bảo đảm thành công trong công tác bầu cử.

Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết: So với quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trước đây thì lần này có bổ sung thêm một số yêu cầu. Nhìn chung, các tiêu chuẩn đều đòi hỏi cao hơn về mọi mặt. Vì vậy, MTTQVN tỉnh vừa chú trọng bảo đảm yêu cầu về cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, vừa quan tâm giới thiệu những người có tâm, có tầm, có trí tuệ, nhiệt huyết, có niềm tin của người dân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, MTTQVN dựa vào nhân dân để chọn lọc, giới thiệu. Đối với những trường hợp có đơn thư hoặc đang trong quá trình xử lý kỷ luật, vi phạm Luật Bầu cử về người ứng cử sẽ xem xét đưa ra khỏi danh sách.

Với những yêu cầu, quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, có thể nói, nhân tố quan trọng để lựa chọn ra được những đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND có đủ đức, tài, xứng đáng đại diện cho quyền, lợi ích của đất nước, nhân dân chính là sự lựa chọn, tín nhiệm của cử tri. Và sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt, sự tín nhiệm của cử tri sẽ tiếp sức cho các đại biểu thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

*Ông Đặng Ngọc Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sơn Hà:
Để đáp ứng tốt yêu cầu và nguyện vọng mà cử tri gửi gắm thì đại biểu HĐND các cấp phải có bản lĩnh, có hiểu biết, có trí tuệ, nhất là có phương pháp luận, thì khi tham gia đóng góp ý kiến sẽ tốt hơn. Đặc biệt là người đại biểu phải dám nói, dám trình bày quan điểm, mạnh dạn tranh luận những vấn đề còn vướng mắc, đòi hỏi cần có sự đồng thuận cao thì phân tích, đóng góp ý kiến... Xuất phát từ yêu cầu đó, trong cơ cấu đại biểu nhiệm kỳ tới ở Sơn Hà, ngoài việc dựa vào quá trình công tác của nhân sự, tuân thủ tiêu chuẩn theo quy định, huyện mở rộng dân chủ, để Mặt trận hiệp thương, giới thiệu những người hội đủ các điều kiện ứng cử. Tiếp đến là tổ chức công khai, minh bạch để cử tri có tiếng nói về người ứng cử...

*Ông Trịnh Đình Bá - Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Tịnh:
Trong nhiệm kỳ qua, có một vài đại biểu sau khi trúng cử không phát huy được vai trò của mình như tại các kỳ họp HĐND ít có ý kiến chất vấn, ít tranh luận. Nguyên nhân là một số đại biểu ít nghiên cứu tài liệu và các quy định của HĐNĐ, cũng như tình hình kinh tế - xã hội nên khi tiếp cận vấn đề không dám đặt vấn đề để tranh luận. Một số đại biểu ở cấp cơ sở trình độ còn hạn chế nhất định... Trong nhiệm kỳ tới, qua hiệp thương chúng tôi thấy cơ cấu đại biểu ứng cử HĐND hai cấp nhiệm kỳ này ở huyện có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao hơn, phân bổ đều ở cả khối ủy ban, đoàn thể và cơ sở.

*Ông Phạm Đại Ra - đại biểu HĐND xã Bình Long (Bình Sơn):
Đã là người đại biểu dân cử thì khi tham HĐND phải thể hiện được bản lĩnh của mình, có chính kiến, dám nói, dám phản biện những vấn đề còn khúc mắc, nhất là theo đuổi đến cùng sự việc. Có như vậy người dân mới tin, mới đáp ứng được sự mong đợi của cử tri. Hiện nay, nhiều đại biểu sau khi trúng cử tham gia các kỳ họp HĐND chưa mạnh dạn chất vấn, nhất là những đại biểu kiêm nhiệm dù có chuyên môn, hiểu vụ việc, nhưng họ sợ va chạm nên không nói sâu vụ việc. Trong khi đó, một số đại biểu ở cấp thôn, do trình độ chuyên môn hạn chế, chỉ nắm sơ sơ vụ việc nên các ý kiến chất vấn nêu ra không sâu...

*Ông Lê Văn Tuấn - cử tri xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa):
Qua theo dõi hoạt động của các đại biểu HĐND ở xã Nghĩa Hiệp và huyện Tư Nghĩa, tôi thấy nhiều người trúng cử đã thể hiện được bản lĩnh của mình qua việc tổ chức nhiều cuộc giám sát có chất lượng. Cụ thể là Thường trực HĐND xã đã giám sát và chỉ ra nhiều sai phạm ở việc thi công đập ngăn mặn; thu, chi tiền Quỹ hội phụ huynh... được nhân dân đánh giá cao. Tuy vậy, vẫn còn nhiều đại biểu chưa thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cử tri, nhất là những đại biểu kiêm nhiệm ở khối ủy ban xã... Nhiệm kỳ tới, để chọn được những đại biểu có trình độ, có tâm huyết, nhất là dám nói tiếng nói của cử tri thì các cấp, nhất là cử tri, cần mạnh dạn loại bỏ những người không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

   

THANH THUẬN – BÁ SƠN

 


.