Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI

07:12, 16/12/2022
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 16/12, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5, khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. 

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Phạm Văn Linh và Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đồng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, trong 10 năm qua, toàn quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp năm 2013. Các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ Trung ương đến địa phương.

Đời sống của nhân dân trên khắp các vùng, miền, mọi thành phần, dân tộc đều được nâng lên; là tiền đề và điều kiện cơ bản để bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người và phát triển con người, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Điểm số về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng từ 0,48 năm 1990 lên 0,71 năm 2020, Việt Nam được chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia...

Hội nghị cũng đã lắng nghe tham luận về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022 của một số địa phương trong toàn quốc, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn báo cáo tham luận tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn báo cáo tham luận tại hội nghị.

Báo cáo tham luận về một số vấn đề xã hội trọng tâm được ưu tiên giải quyết giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội của Trung ương đề ra.

Đến năm 2022, Quảng Ngãi cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

Tuy nhiên, Quảng Ngãi hiện có 5 huyện miền núi, trong đó có 2 huyện nghèo; đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi theo chuẩn đa chiều còn 31% hộ nghèo, 14% hộ cận nghèo. Nhìn chung, đời sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; kinh tế - xã hội phát triển chậm, kết nối hạ tầng, thiết chế văn hóa một số nơi còn hạn chế; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; hệ thống chính trị ở cơ sở có nơi còn yếu…

Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Quảng Ngãi có lực lượng lao động hơn 750 nghìn người, chiếm khoảng 60% dân số. Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo chiếm 60%. Tuy nhiên, số lao động được đào tạo bài bản, có thu nhập còn thấp chỉ đạt 160 nghìn người, chiếm 22%. Tỉnh có khu KKT Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi thu hút khoảng 30 nghìn lao động, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, tỷ lệ lao động có việc làm còn thấp…

Mục tiêu trong thời gian đến, tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của miền núi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả, toàn diện các chính sách xã hội, chính sách dân tộc; cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Phấn đấu giai đoạn 2022 - 2025 có thêm một huyện miền núi thoát nghèo, giảm 50% số thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1 - 1,5%; trong đó miền núi giảm từ 4 - 4,5%/năm. Về lĩnh vực lao động, việc làm, phấn đấu có 70% lao động được đào tạo, trong đó lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 2%...

Hội nghị toàn quốc lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp nhận thêm các ý kiến đánh giá về tình hình thực tiễn, các vấn đề cần quan tâm của các bộ, ngành và địa phương. Các ý kiến đóng góp đối với dự thảo báo cáo làm cơ sở để Ban Chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện báo cáo, xác định các vấn đề trọng tâm cần triển khai thực hiện đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Tin, ảnh: X.HIẾU


.