Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Sa Huỳnh

11:07, 24/07/2009
.
(QNĐT)- Sáng nay (24/7) tại khách sạn Petrosetco, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo khoa học quốc tế 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.
Dự hội thảo có Tiến sĩ Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL; về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí Phạm Đình Khối - Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hòa Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Toản-Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Huế-Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngài Herve Bolot-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Pháp tại Việt Nam
Ngài Herve Bolot-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Pháp tại Việt Nam
Dự hội thảo còn có ngài Herve Bolot - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và trên 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ trong nước và quốc tế đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực, các huyện, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Huế-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sa Huỳnh-Quảng Ngãi là nơi đầu tiên phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh, là nơi có địa danh mà nền văn hóa mang tên, cũng là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh, một trong 3 nền văn hóa cổ phát triển rực rỡ trên đất nước Việt Nam trong thế giao thoa, tương tác với văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ thời cổ. Qua các thập niên của thế kỷ 20, các nhà khoa học Việt Nam và Quốc tế đã tốn nhiều tâm huyết và sức lực để phát hiện và giải mã nền văn hóa phát triển rực rỡ đồng thời cũng rất kỳ bí đó.

Từ sau năm 1975 các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đã không ngừng nỗ lực trong việc phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh và đã đạt được những bước tiến đáng kể. Chúng ta đã phát hiện được hàng trăm di tích văn hóa Sa Huỳnh từ các tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận, Đồng Nai, từ các cồn cát ven biển đến hải đảo Lý Sơn đến vùng Trường Sơn hiểm trở với hàng ngàn hiện vật đã được thu nhặt và phục hồi.

100 năm trôi qua, nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, tiến trình nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hội thảo khoa học quốc tế lần này chính là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.

Hội thảo khoa học quốc tế lần này cũng đánh dấu một bước quan trọng trong sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học và những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương và trung ương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Chiến Thắng- Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia mà thời tiền sử và sở sử có ba nền văn hoá ở ba khu vực của đất nước. Từ năm 1909, nền văn hoá Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ học của Cộng hoà Pháp và phương Tây phát hiện và nghiên cứu. Có thể kể đến những tên tuổi như M.Vinet, H.Parmentier, M.Colani, O.Janse, L.Mallerel…Nhờ những học giả này mà thuật ngữ văn hoá Sa Huỳnh và một số giá trị của Văn hoá Sa Huỳnh đã được giới khoa học phương Tây biết đến.

Tại hội thảo lần này, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học người Pháp, Anh, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Philippin, Campuchia đến dự và bày tỏ niềm vui khi được khám phá và chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết về một số điều có liên quan đến văn hóa Sa Huỳnh.    

Phó giáo sư- tiến sĩ Lương Hồng Quang phát biểu đề dẫn cuộc hội thảo nêu bật ý nghĩa của việc một người Pháp phát hiện một kho chum trong một cồn cát ở Sa Huỳnh. Từ đó đã mở ra cho các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa Sa Huỳnh. Nói đến Sa Huỳnh là người ta liên tưởng ngay đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia, là nói đến những đồ trang sức bằng thuỷ tinh, bằng mã não rất độc đáo: Những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò… những đồ gốm này được trang trí hoa văn rất đẹp.

Có thể nói Quảng Ngãi là cái nôi của Văn hoá Sa Huỳnh với hàng loạt di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được nghiên cứu như Long Thạch, Bình Châu, Gò Văng, Núi Sứa, Gò Quách, Gò Quê, Tịnh Thọ, Xuân Phổ, Gò Kim, Xóm Ốc, Suối Chình… Tại hội thảo này, các đại biểu còn được nghe các nghiên cứu lý thú của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam về Văn hoá Sa Huỳnh, sự giao thoa giữa các nền văn hoá trong khu vực…
 
Hội thảo có hơn 50 tham luận của các đại biểu, những tham luận này xoay quanh 3 chủ đề lớn.
 
Một số hiện vật thuộc văn hoá Sa Huỳnh 
Chủ đề 1: các thành tựu nghiên cứu về văn hoá khảo cổ Sa Huỳnh: Thành tựu, vấn đề; xu hướng tiệp cận, các nguồn sử liệu, văn hoá Sa Huỳnh các phát hiện khảo cổ học mới.

Chủ đề 2: Văn hoá Sa Huỳnh các cuộc tiếp xúc và nghiên cứu văn hoá, các ảnh hưởng của văn hoá Sa Huỳnh đến quá trình phát triển của văn hoá tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam hiện nay.

Chủ đề 3: Phát huy di sản văn hoá Sa Huỳnh: Các quan điểm lý thuyết, các dự án và phương hướng tiếp cận nhằm bảo tàng hoá một số di sản Sa Huỳnh, kết nối di sản văn hoá Sa Huỳnh với sự phát triển du lịch và kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển miền Trung.

 M.Toàn (ghi)

.