Minh Long: Bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

10:12, 17/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, huyện Minh Long chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho người dân trên địa bàn huyện.
[links()]
 
Nghệ nhân của cộng đồng
 
Trong ngôi nhà sàn của nữ nghệ nhân Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan (xã Thanh An), những bộ đàn B’row, B’roat... được cất giữ cẩn thận. “Đàn B'row, B'roat, cồng chiêng cùng với các làn điệu dân ca, hát ru là những nhạc cụ truyền thống, là nét văn hóa nổi bật đã tạo nên bản sắc riêng của người Hrê”, già Đê lý giải. Không chỉ nâng niu những nhạc cụ, già Đê còn nhọc công tìm kiếm và gìn giữ cẩn thận những nguyên liệu làm đàn vì lo bị mai một. Đàn B’row, B’roat cùng với tiếng cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Thế nên, ngoài những dịp lễ, Tết thì các nhạc cụ này thường xuyên được già Đê sử dụng để biểu diễn mỗi khi có khách đến thăm nhà.
 
Nghệ nhân Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long) biểu diễn đàn B’roat.
Nghệ nhân Đinh Thị Đê, ở thôn Công Loan, xã Thanh An (Minh Long) biểu diễn đàn B’roat.
Nhiều hôm, căn nhà nhỏ của già Đê kín khách, chủ yếu là thanh niên ở thôn Công Loan. Mọi người trong trang phục truyền thống của đồng bào Hrê, chăm chú theo dõi già Đê vừa làm đàn B’row, B’roat vừa hát những làn điệu dân ca. Thoạt nhìn, việc làm đàn B’row, B’roat khá đơn giản cùng các loại nguyên liệu dễ tìm, như: Quả bầu khô, lồ ô, dây kẽm và thanh tre... Có điều, làm là một chuyện, đàn có “lên tiếng” hay không lại là chuyện khác.
 
Già Đê bảo, những loại nhạc cụ này nhìn thì dễ nhưng khó để mà chơi thành thạo được. Già Đê tập hát, tập múa, tập làm đàn từ lúc nhỏ nên thành thạo, đặc biệt là đàn B’row, B’roat. Vậy nên, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng già Đê vẫn sẵn lòng dành cả ngày để chỉ dạy, truyền thụ cho lớp trẻ học hát ru và các làn điệu dân ca Hrê, đặc biệt là chơi đàn, làm đàn B’row, B’roat. Tâm huyết của già Đê cũng dần có “quả ngọt”, khi ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm hiểu, học cách chế tác đàn, học hát ru và các làn điệu dân ca Hrê.
 
Gìn giữ cho mai sau
 
Xác định vai trò quan trọng của việc bảo tồn văn hóa đồng bào DTTS, nên giai đoạn 1 (từ năm 2021 - 2025) của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 có dự án thành phần “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Thực hiện dự án trên, huyện Minh Long triển khai tổ chức 2 lớp truyền dạy dân ca dân tộc Hrê năm 2022, thu hút gần 100 học sinh là con em người dân tộc Hrê tham gia. Đồng thời duy trì lớp học ngôn ngữ Hrê dạy kết hợp với tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, bộ đội, công an.
 
Ngoài ra, các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các DTTS cũng đã được các nghệ nhân và các ban, ngành, địa phương chú trọng sưu tầm, bảo tồn, phát huy. Cùng với đó, huyện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hóa... Đồng thời khôi phục làng nghề truyền thống; sưu tầm các nhạc cụ, công cụ, dụng cụ trong sản xuất, các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày; chú trọng truyền bá, khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ người dân tộc Hrê.
 
Bí thư Huyện ủy Minh Long Nguyễn Mạnh Thái cho rằng, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của DTTS đã và đang được các làng, thôn của huyện chú trọng thực hiện. Qua đó, vừa thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ phục vụ đồng bào DTTS, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian đến, huyện tiếp tục xây dựng và thực thi hiệu quả những chính sách hỗ trợ, nhằm phát huy vai trò các nghệ nhân trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS sử dụng trang phục truyền thống trong các lễ hội, gắn với đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ văn hóa là người DTTS.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.