Giữ gìn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

06:12, 11/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trước nguy cơ một số loại hình văn hóa truyền thống ngày càng mai một, nhiều nghệ nhân đã tích cực lưu giữ, trao truyền những nét văn hóa ấy. Để từ đó, các làn điệu dân ca, tiếng cồng chiêng... luôn âm vang giữa núi rừng.
 
[links()]
 
Đồng bào Hrê tự hào với các làn điệu Ta lêu, Ca choi... mượt mà, nhẹ nhàng, trong sáng. Cùng với đó là các loại nhạc cụ như Vroac, Krâu, sáo Ta lía, Tà vổ, kèn Ra ngói... mà người dân hay sử dụng lúc rảnh rỗi hoặc khi đi nương rẫy. Dân nhạc, dân ca, dân vũ là một phần không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của người Hrê.
 
Tại Liên hoan Cồng chiêng, đàn, hát dân ca tỉnh vừa được tổ chức tại huyện Minh Long, nhiều khán giả rất thích thú với tiết mục độc tấu đàn Krâu của nghệ nhân Đinh Ba Rum, ở Làng Mùng, xã Sơn Bao (Sơn Hà). Từ tiếng đàn Krâu, nghệ nhân Ba Rum cùng với các nghệ nhân Đinh Văn Lũ, Đinh Văn Trim hòa nhịp tấu chinh. Đây là những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê ở Sơn Hà. 
 
Các nghệ nhân đồng bào Ca Dong biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Các nghệ nhân đồng bào Ca Dong biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Năm nay đã hơn 75 tuổi, nghệ nhân Ba Rum là một trong những “hạt nhân” văn hóa, văn nghệ của huyện Sơn Hà. Ông biết làm hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc mình và biểu diễn thành thục. Nghệ nhân Ba Rum cho hay, tôi muốn phát huy nhạc cụ dân tộc bằng cách thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội và truyền dạy cho lớp trẻ, nhằm giữ gìn nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình.
 
Nghệ nhân Phạm Thị Đế, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) ngân vang làn điệu Ta lêu, Ca choi tại liên hoan qua bài “Chào bà con Minh Long”, mang đến cho người nghe những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng của dân ca Hrê. Từ bé, bà Đế đã được các bà, các mẹ dạy hát Ta lêu, Ca choi và hôm nay bà truyền dạy lại cho lớp trẻ. “Tôi mong con cháu luôn giữ gìn, phát huy làn điệu dân ca của dân tộc mình. Những làn điệu Ta lêu, Ca choi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống đồng bào Hrê”, bà Đế nói.
 
Đối với đồng bào Ca Dong, các làn điệu Ta lêu, Ra nghế, Dê ô dê và đàn Kloong vút, Vrook, Vrook tru, Krâu là niềm tự hào của họ. Cồng chiêng của đồng bào Ca Dong có 3 loại, đó là loại 3 chiếc, loại 6 chiếc và loại 8 chiếc, được nghệ nhân biểu diễn vào dịp lễ hội ăn trâu, tết truyền thống. Em Đinh Thị Đú, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), là thành viên của Câu lạc bộ Văn hóa Sơn Tây bộc bạch, từ nhỏ, em đã biết hát các bài dân ca để ru em và biểu diễn trong các lễ hội tại địa phương. Em thường cùng đội văn nghệ của huyện đi biểu diễn nhiều nơi để giao lưu với các dân tộc anh em khác.
 
Đồng bào Cor huyện Trà Bồng biểu diễn đấu chiêng.
Đồng bào Cor huyện Trà Bồng biểu diễn đấu chiêng. Ảnh: ĐÌNH QUANG
Riêng đồng bào Cor thì say đắm với các làn điệu Xà ru, A giới, tiếng sáo Ta lía, tiếng kèn A máp... Các nghệ nhân ở huyện Trà Bồng đã đem đến Liên hoan Cồng chiêng, đàn, hát dân ca tỉnh tiết mục tấu chiêng độc đáo, vui nhộn cùng điệu múa Cà đáo. 
 
Tất cả những nét phong phú, độc đáo của các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc trong tỉnh đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Liên Phương, trong quá trình hội nhập và phát triển, nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một. Sinh hoạt dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian trong cộng đồng ngày càng ít, thậm chí bị lãng quên. “Vì vậy, 2 năm một lần, ngành văn hóa tổ chức các ngày hội để biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, đàn, hát dân ca... giúp lớp trẻ trân trọng, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Đây còn là dịp để các dân tộc anh em giao lưu, trao đổi những nét đẹp của văn hóa, văn nghệ, góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết, thể hiện được bức tranh đa sắc, đa thanh, mang đậm dấu ấn của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh”, ông Phương nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 
 

.