(Báo Quảng Ngãi)- Cũng giống như các tỉnh, thành phố trong cả nước, thị trường bất động sản (BĐS) ở Quảng Ngãi đã rơi vào tình trạng "đóng băng" suốt 2 năm qua. Mặc dù đã có nhiều giải pháp kích cầu, song thời điểm được kỳ vọng nhất là những tháng cuối năm 2023 thì thị trường BĐS vẫn khá ảm đạm.
Huyện Sơn Tịnh vừa đưa hàng loạt lô nền được đầu tư từ ngân sách ra đấu giá, thu tiền sử dụng đất theo kế hoạch đề ra năm 2023. Mặc dù đây là những vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm huyện mới, gần các công trình sắp hoàn thành như cầu Trà Khúc 3, bệnh viện huyện Sơn Tịnh, đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong... nhưng rất ít người đăng ký tham gia đấu giá.
Vừa qua, huyện Tư Nghĩa đã đưa ra đấu giá 240 lô đất ở khu vực trung tâm huyện, thị trấn Sông Vệ và các lô xen kẽ trong khu dân cư. Tại phiên đấu giá 47 lô đất ở trung tâm huyện, chỉ bán được 26 lô. Vào sáng 31/10, tại phiên đấu giá 24 lô nền ở khu dân cư phía tây thị trấn Sông Vệ và 4 lô xen kẽ trong các khu dân cư thì chỉ có 17/24 lô đấu giá thành. Thị trường trầm lắng, đấu giá đất không đạt, dẫn đến việc thực hiện chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất của huyện Tư Nghĩa năm 2023 chỉ đạt gần 60/160 tỷ đồng.
Khu dân cư đường Trần Hưng Đạo (TX.Đức Phổ) hạ tầng hoàn chỉnh, đủ điều kiện giao dịch, nhưng 10 tháng năm 2023 vẫn không bán được. |
Đối với huyện Nghĩa Hành và TX.Đức Phổ, hạ tầng các khu dân cư đã xây dựng xong, lập hồ sơ để đưa vào đấu giá đất, thu nộp ngân sách nhưng trước tình hình trầm lắng của thị trường BĐS, các địa phương lo ngại đấu giá sẽ không có người tham gia, nên chưa tổ chức các phiên đấu giá.
Riêng đối với việc thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất thu ngân sách năm 2023 của tỉnh, tiến độ thực hiện rất thấp. Theo đó, kế hoạch đưa ra đấu giá 15 dự án, dự kiến sẽ thu được khoảng 1.800 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới chỉ có 3 dự án đấu giá thành công, thu ngân sách hơn 414 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do quy định về thủ tục pháp lý còn chồng chéo, dẫn đến việc triển khai thực hiện các dự án BĐS còn nhiều khó khăn.
Khu dân cư Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) được đầu tư từ ngân sách, chuẩn bị đưa vào đấu giá. |
Hầu hết các dự án đều phải trình đi, trình lại nhiều lần để các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở thực hiện. Chính vì quá nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, nên dẫn đến kế hoạch thu tiền sử dụng đất của tỉnh 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) không đạt, ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành chi ngân sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những khó khăn mà Quảng Ngãi gặp phải cũng chính là khó khăn chung của cả nước. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đưa thị trường BĐS nóng ấm trở lại, song những chính sách này hiện tại chưa mang lại kết quả rõ rệt. Theo Sở Xây dựng, thị trường BĐS 10 tháng năm 2023 vẫn còn trầm lắng. Tín dụng cho các dự án BĐS mặc dù đã có chỉ đạo tháo gỡ, nhưng hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn neo ở mức cao; điều kiện vay chưa nới lỏng nên việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp không dễ dàng cũng phần nào ảnh hưởng đến thị trường BĐS hiện nay.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: