Cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn

10:12, 01/12/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. 

Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Tại một số địa phương, việc lưu giữ, tập kết, trung chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường đã dẫn đến việc xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường, gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội. 

Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; chất thải rắn công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800 nghìn tấn chất thải nguy hại. Trong khi, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực các thành phố mới đạt khoảng từ 70% đến 85%; đối với khu vực nông thôn chỉ đạt từ 40% đến 55%. Tình trạng này khiến các bãi rác mỗi ngày một lớn hơn và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ, tạo áp lực lớn cho cả người dân và chính quyền địa phương.

 

Số liệu ước tính, hiện người dân Việt Nam đang thải ra khối lượng 120.000 tấn rác mỗi ngày, tức là gần gấp đôi so với trung bình cách đây 5 năm. Nguyên nhân của việc gia tăng rác thải sinh hoạt là do sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt. Đa số rác thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người.
 
Quy trình xử lý rác hiện nay vẫn là biện pháp chôn lấp, trong đó, 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi chứa thải đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, vừa lãng phí quỹ đất, lãng phí khối lượng lớn rác có thể tái chế. Đặc biệt, việc phân loại từ nguồn rác thải ban đầu không được chú trọng nên gây ra nhiều khó khăn trong khâu xử lý. Việc thiếu công nghệ, nguồn lực... đang là cản trở lớn cho việc tiến hành các giải pháp thu gom, tái sử dụng rác thải hiệu quả. 
 
Việt Nam đặt ra mục tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị để bảo vệ môi trường đạt được 90% vào năm 2025, 100% vào năm 2050 và 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đã đóng cửa sẽ được cải tạo, xử lý và tái sử dụng đất. Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có hành động cụ thể và giải pháp thực hiện chiến lược quản lý chất thải rắn. 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn hiện nay đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; trường hợp chưa đủ điều kiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần ưu tiên đầu tư các cơ sở xử lý có công đoạn phân loại tập trung trước khi xử lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi các VBQPPL theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải.

Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong quý I năm 2022, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp văn phòng… quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư tập trung nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bộ Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải công nghệ tiên tiến, hiện đại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. 

Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; không hạn chế việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa phương mình để xử lý theo quy định.

Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.

Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hPVộ gia đình thành phân compost.

Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia, phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong hoạt động quản lý chất thải rắn.


.