Võ Thị Đệ (1853 – 1932)

08:06, 04/06/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Bà Võ Thị Đệ sinh năm Quý Sửu- 1853 tại làng An Điềm (nay thuộc xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), trong một gia đình nho học.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1885, Kinh thành Huế thất thủ, phong trào Cần Vương – kháng Pháp nổ ra mạnh mẽ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam rồi nhanh chóng lan khắp miền Trung. Bà Võ Thị Đệ và gia đình là những thành viên tích cực của lực lượng khởi nghĩa do Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Tấn Kỳ lãnh đạo, từ khi chuẩn bị lực lượng đến khi phát binh đánh chiếm thành Quảng Ngãi (tháng 7.1885).

Cuộc khởi nghĩa đầu tiên của phong trào Cần Vương thất bại, cử nhân Lê Trung Đình (1857 – 1885), tú tài Nguyễn Tự Tân (1848 – 1885) bỏ mình vì nước. Nguyễn Tấn Kỳ sau khi thoát khỏi nanh vuốt tên phản bội Nguyễn Thân đã đưa số nghĩa binh còn lại về căn cứ Tuyền Tung (phía tây huyện Bình Sơn) hợp cùng lực lượng nghĩa binh Nguyễn Bá Loan (Quảng Ngãi), Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm (Quảng Nam) tiếp tục chiến đấu. Bà Võ Thị Đệ trở thành người vận động và tiếp tế lương thảo cho nghĩa quân Nam – Ngãi suốt 3 năm 1886 – 1888.

Mộ bà Võ Thị Đệ
Mộ bà Võ Thị Đệ


Phong trào Cần Vương dần dần tan rã, sĩ phu và nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi lại gây dựng và đi đầu trong các phong trào yêu nước, chống áp bức dưới ngọn cờ Duy Tân, Kháng thuế – cự sưu. Lúc này bà Võ Thị Đệ đã ngoại tứ tuần, ông Đoàn Như Thiện - chồng bà, cũng đã qua đời. Bà cùng các con là Đoàn Cổ, Đoàn Triết, Đoàn Thị Duẩn vẫn hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước sôi nổi ở quê nhà.

Nhà thờ họ Đoàn trở thành nơi dạy học của phong trào khai dân trí. Nhiều thanh niên được bà Võ Thị Đệ giúp đỡ tiền của để đi du học, trong đó có Võ Quán, người về sau trở thành một yếu nhân của Việt Nam Quang Phục hội.

Năm 1916, các nhà yêu nước Quảng Nam – Quảng Ngãi trong Quang Phục hội bắt liên lạc với vua Duy Tân, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Bà Võ Thị Đệ được cử vào Ban chỉ huy, lo việc quân lương, chuyển vận vũ khí. Sĩ phu trong vùng kính trọng tặng bà danh hiệu “Hộ quốc mẫu nghi”. Từ đó người dân trong vùng gọi bà một cách vừa kính trọng vừa thân mật là “Bà Hộ Gà”. Gà là tục danh người con trai cả của ông bà Đoàn Như Thiện- Võ Thị Đệ; đây là cách dùng tên người con đầu để gọi tên cha mẹ, theo tập tục truyền thống của cư dân Nam - Ngãi.

 

Nhà thờ ông bà Đoàn Như Thiện- Võ Thị Đệ
Nhà thờ ông bà Đoàn Như Thiện- Võ Thị Đệ


Cuộc mưu khởi của Quang Phục hội thất bại và bị giặc Pháp đàn áp dã man. Các nhà yêu nước, kẻ bị giết, người bị tù đày. Bà Võ Thị Đệ cùng các con bị bắt giam và tra tấn dã man. Ba năm sau, vì không khai thác được gì, thực dân Pháp phải trả tự do cho bà.

Ra tù, mặc dù tuổi cao, sức yếu, bà Võ Thị Đệ vẫn tiếp tục các hoạt động yêu nước, hưởng ứng những xu hướng mới của phong trào ái quốc, ủng hộ các nhóm thanh niên cách mạng cấp tiến, là cảm tình viên của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và sau đó là Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Bà Võ Thị Đệ qua đời năm 1932 (Nhâm Thân), hưởng thọ 80 tuổi.

                                                                         

Lê Hồng Khánh


* Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Vịnh
 


CÁC TIN KHÁC
.