Nhân vật Quảng Ngãi:
Nguyễn Mậu Phó (? - 1659)

08:09, 28/09/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nguyễn Mậu Phó người làng Tú Sơn, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

Theo các tài liệu, sắc phong, gia phả và hồi ức của nhiều bậc cao niên trong dòng họ, Nguyễn Mậu Phó là hậu duệ đời thứ 7 của Nguyễn Nhữ Lãm (1378- 1437), người vùng Thạch Hà, Hà Tĩnh - một bậc Khai quốc công thần tài kiêm văn võ thời Hậu Lê, từng tham gia hội thề Lũng Nhai, rồi trở thành vị tướng xuất sắc  của nghĩa quân Lam Sơn dưới cờ Bình Định Vương Lê Lợi.

 

Đền thờ Nguyễn Mậu Phó
Đền thờ Nguyễn Mậu Phó.


Nhờ công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, khôi phục giang san cũng như trong thời kỳ đầu cũng cố vương quyền nhà Lê, ngày 14 tháng 8 niên hiệu Thuận Thiên thứ sáu (1433), vua Lê Thái Tổ ban cho Nguyễn Nhữ Lãm chữ "Mậu" (茂 có nghĩa là tươi tốt). Từ đó, các đời hậu duệ của Nguyễn Nhữ Lãm dùng chữ “Mậu” đặt kèm theo họ của mình, hình thành tộc họ Nguyễn Mậu truyền đến ngày nay, với nhiều chi tộc trong cả nước, trong đó có Quảng Ngãi.

Sau thắng lợi của cuộc hành quân Nam chinh năm 1471, vua Lê Thánh Tông, cho thiết lập đạo thừa tuyên Quảng Nam- đạo thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt, ban hành nhiều chính sách khuyến khích tướng lĩnh, người có tài lực, vật lực trong dân chúng di dân vào vùng đất mới để khai khẩn đất hoang, hình thành làng xã, định cư lâu dài.

Hưởng ứng chính sách của triều đình, nhiều chi phái trong tộc họ Nguyễn Mậu đưa người vào mở đất ở vùng Thừa tuyên Quảng Nam, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Một người cháu của Nguyễn Nhữ Lãm thuộc đời thứ 7 là Nguyễn Mậu Phó dẫn dắt con cháu và gia nhân đến định cư, khai khẩn, tính kế lâu dài ở vùng Tú Sơn, thuộc huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa.

Thời bấy giờ, Tú Sơn tuy đã thuộc vào cương vực quốc gia Đại Việt, nhưng đất đai còn khá hoang vu, cỏ dại ao chằm, rừng thưa nước độc. Với tầm nhìn của một con người giàu nghị lực, trì chí kiên tâm, Nguyễn Mậu Phó huy động con cháu và người dân trong hạt đắp đập khai mương, vỡ hoang điền thổ, đem sức người biến một vùng hoang địa thành ruộng đồng màu mỡ, phì nhiêu.

Theo Địa bạ trấn Quảng Ngãi lập năm 1813 (Gia Long thứ 12), Hoa Sơn thôn (tên khác của thôn Tú Sơn) thuộc tổng Trung, huyện Mộ Hoa, có diện tích hơn 478, 5 mẫu ta; đường thiên lý chạy qua dài 1.426 tầm, tức gần 3 km.

Tương truyền vùng Tú Sơn là nơi gieo trồng rất sớm giống lúa trì trì với hạt gạo dẻo thơm, nổi tiếng ở đất Mộ Hoa, sau đó lan ra nhiều đồng ruộng lân cận, ghi dấu trong câu nhiều ca dao xưa:

-    Gái Tú Sơn đầu trơn như mỡ
      Gạo trì trì nứt nở như ươi

-    Trì trì trổ muộn chín mau
     Rủ nhau ở đậu làm giàu Tú Sơn


Cũng có ý kiến cho rằng lúa “trì trì” còn có tên khác là “hoa sơn”, và ruộng đồng Tú Sơn (Hoa Sơn) là nơi xuất phát của giống lúa này. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào sự phổ biến khá sớm của giống lúa này ở vùng bắc Quảng Ngãi, xa hơn là Quảng Nam ở phía bắc và Phú Yên ở phía nam, giả thiết này khó lòng đứng vững. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể ghi nhận giống lúa trì trì xuất hiện sớm và phổ biến ở vùng Tú Sơn, chậm nhất là khoảng thế kỷ XVII, nhờ vào công lao rất lớn của Nguyễn Mậu Phó cùng con cháu đời sau và người dân trong vùng. Sự thích hợp của giống lúa này với khí hậu, thổ nhưỡng Tú Sơn và vùng lân cận góp phần đem lại sự trù phú, giàu có của ruộng đồng Mộ Hoa, vốn được xem là vựa lúa của trấn Quảng Ngãi thời xưa, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.

 

  Mộ Nguyễn Mậu Phó
Mộ Nguyễn Mậu Phó.


Theo ghi nhận của gia phả dòng tộc, Nguyễn Mậu Phó qua đời ngày mùng 2, tháng 2 năm Mậu Ngọ (1659), mộ phần an vị tại xứ Gò Đình, nay thuộc thôn Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức.

Dưới thời vua Khải Định nhà Nguyễn, căn cứ vào lời tâu xin của dân làng và sớ tấu của quan lại bản hạt, triều đình truy phong cho Nguyễn Mậu Phó tước “Dực bảo Trung hưng linh phò chi thần”, giao cho con cháu và dân làng lo việc hương khói, tế lễ hàng năm. Sắc phong hiện vẫn còn được gia tộc lưu giữ.

Thôn Tú Sơn, tổng Trung, phủ Mộ Hoa nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà thờ và mộ Nguyễn Mậu Phó đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh.

Hàng năm, đến ngày mùng 2, tháng 2 âm lịch, con cháu Nguyễn Mậu Phó và dân làng tổ chức lễ tế đức ông tôn nghiêm, trọng vọng, nhằm tỏ lòng tri ân bậc một trong những bậc tiền hiền khả kính đã dày công khai khẩn, gầy dựng cơ đồ cho hậu thế ở vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

                                                                       

Lê Hồng Khánh

          
*Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Tuyên (1869- 1924)


 


CÁC TIN KHÁC
.