Nhân vật Quảng Ngãi: Nguyễn Tuyên (1869- 1924)

03:10, 09/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nguyễn Tuyên (Tú Tuyên), sinh năm Kỷ Tỵ (1869), trong một gia đình điền chủ, chuộng nho học tại làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong), nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ.

TIN LIÊN QUAN

Thủy tổ của dòng họ của Nguyễn Tuyên tên là Nguyễn Văn Giang, quê ở Nghệ An. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Nguyễn Văn Giang đưa thân quyến và gia nhân vào khai cơ lập nghiệp ở vùng đất An Định, nay thuộc xã Phổ Thuận, phía đông núi Xương Rồng (Long Cốt sơn) và khai sinh ra dòng họ Nguyễn ở đây.

 

Nhà thờ Tú Tuyên và con trai là Nguyễn Nghiêm
Nhà thờ Tú Tuyên và con trai là Nguyễn Nghiêm


Đến đời thứ 4, dòng họ đã có 10 gia đình tự lập với gần 50 nhân khẩu. Theo thỏa thuận trong nội tộc và tính đường cho con cháu mai hậu, 4 gia đình thuộc phái trưởng ở lại An Định làm ăn, trông nom, gìn giữ mồ mả cha ông và canh tác hơn 10 mẫu ruộng đã được khai khẩn; 6 gia đình còn lại (thuộc phái thứ) đưa nhau lên vùng Gò Lứa, phía tây núi Xương Rồng, cách quê cũ chừng 3 cây số, khai hoang, vỡ ruộng, kiến lập làng mới lấy tên là Tân Hội. Từ đây, cả phái trưởng và phái thứ dần dần làm ăn phát đạt, con cháu có điều kiện học hành, đến đời thứ 7 thì có nhiều người đỗ đạt, thành tài, trong đó có Nguyễn Tuyên và người em ruột là Nguyễn Thuyên.

Là người thông minh, học giỏi, biết nhiều, Nguyễn Tuyên 3 lần thi đỗ tú tài (trong đó có một lần được xếp hạng ưu), nên người đời thường gọi là Tú Tuyên. Ông giao lưu rộng, kết thân với nhiều nhà nho có tiếng trong tỉnh, ngấm ngầm di dưỡng lòng tự tôn dân tộc và ý chí chống Pháp, đòi lại nước. Tương truyền, Nguyễn Tuyên là người đức độ khiêm nhường, thấu hiểu nỗi khổ cực của lớp người nghèo khó. Trường học của thầy Tú Tuyên thu hút rất đông học trò. Bên cạnh việc dạy chữ thánh hiền, Nguyễn Tuyên còn kín đáo nhắc đến nỗi thống khổ của người dân mất nước, khơi gợi lòng ái quốc, ưu dân cho môn sinh.

Năm 1896, Nguyễn Tuyên bí mật tham gia cuộc vận động Cần Vương chống Pháp do Trần Du (1864- 1895) lãnh đạo, có Tổng hành dinh bí mật ở làng Hùng Nghĩa, nằm trong khu vực núi Xương Rồng. Cuộc mưu khởi bị bại lộ, Trần Du bị bắt rồi bị đưa ra xử chém ngày 12 tháng 3 năm Bính Thân (1896). Phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi thất bại và chấm dứt vai trò lịch sử.

Lánh mình một thời gian, sau đó Nguyễn Tuyên cùng một số nhà nho yêu nước, chịu ảnh hưởng Tân Thư và cuộc vận động Duy Tân (do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng) tham gia thành lập Hội Duy Tân Quảng Ngãi vào năm 1906, do cử nhân Lê Đình Cẩn (1870- 1974) làm hội chủ, đề ra mục tiêu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, tiếp tục cuộc đấu tranh đòi độc lập, nhưng từ bỏ con đường trung quân, hướng theo xu hướng dân tộc, dân chủ, phù hợp với trào lưu mới của thời đại.

Nguyễn Tuyên tích cực hoạt động trong phong trào này và trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của phong trào Duy Tân và phong trào Kháng thuế - Cự sưu ở Quảng Ngãi. Ông tích cực tuyên truyền các tư tưởng duy tân, cải cách, kêu gọi cắt bỏ búi tóc, mặc áo ngắn bằng vải nội, đội mũ nỉ thay dù, đi giày hạ thay guốc, bỏ áo dài khăn đóng, ăn ở theo lối sống văn minh, dùng đồ nội hóa, bài trừ mê tín dị đoan, giữ gìn thuần phong mỹ tục...

Đầu tháng 3 năm 1908, tin tức về vụ hàng ngàn nông dân huyện Đại Lộc kéo nhau về tỉnh đường Quảng Nam đầu đơn “xin sưu” rồi kéo thẳng về toà đại sứ ở Hội An đã nhanh chóng theo các nhà buôn lan truyền ra các phủ, huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ... (Quảng Nam) rồi Bình Sơn, Sơn Tịnh... (Quảng Ngãi).

Ngày 24.3.1908 (22.2 Mậu Thân) phong trào bùng lên ở Quảng Ngãi, bắt đầu từ phủ Bình Sơn với sự kiện 30 nông dân làng An Điềm, tổng Bình Trung kéo về tỉnh thành, toà công sứ Quảng Ngãi xin giảm sưu thế và trừng trị bọn quan lại tham nhũng. Nông dân các xã, tổng của phủ Bình Sơn hưởng ứng, nhập vào đoàn người của làng An Điềm, đông đến 400 người, trong đó có nhiều chức dịch, lý hương. Ngày 25.3, lại thêm hàng nghìn nông dân từ các phủ huyện Bình Sơn, huyện Sơn Tịnh và phủ Tư Nghĩa kéo về tỉnh.

Ngày 27.3.1908, Nguyễn Tuyên và các nhà lãnh đạo Duy Tân ở phía nam tỉnh, lãnh đạo nông dân huyện Đức Phổ, huyện Nghĩa Hành và phủ Mộ Đức kéo về tỉnh thành Quảng Ngãi, nhập cùng đoàn dân nghèo của 3 phủ, huyện phía bắc đấu tranh.

Nhằm cổ vũ phong trào, thu hút thêm quần chúng, các nhà Duy Tân Đức Phổ, trong đó có Nguyễn Tuyên, tổ chức nhiều hoạt động diễn thuyết tại các xã trong huyện, tuyên truyền về chủ trương cải cách của hội Duy Tân, về mục tiêu đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, phản đối nhà cầm quyền đẩy người dân vào con đường bần cùng.

 

Mộ Nguyễn Tuyên
Mộ Nguyễn Tuyên.


Cuộc Kháng thuế - Cự sưu ở Trung Kỳ bị đàn áp. Nhiều nhà lãnh đạo phong trào bị bắt và kết tội phản loạn, bị thực dân- phong kiến xử chém hoặc cầm tù. Nguyễn Tuyên bị kết án tù 9 năm và đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo. Năm 1917, ông ra tù, tiếp tục nghề dạy học và làm thuốc Bắc. Cuộc sống lao tù nhiều năm đã khiến sức khỏe Nguyễn Tuyên bị suy kiệt. Ông lâm bệnh và qua đời năm 1924, thi hài được an táng tại Gò Sim thuộc làng Tân Hội nay là thôn Tân Phong, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ.

Hoạt động cứu nước và sự đóng góp của Nguyễn Tuyên cũng như của cả một thế hệ văn thân, trí thức cùng thời với ông trong cuộc đấu tranh cứu nước, đòi dân chủ, dân sinh mãi mãi được lưu danh trong lịch sử, được nhân dân ghi nhớ, trân trọng và tri ân.

Nhiều tài liệu cho rằng Nguyễn Tuyên vì không muốn lụy vào đường công danh nên từ chối ra làm quan mà về nhà mở trường dạy học và bốc thuốc. Thực  tế cho thấy, tuy chỉ đỗ Tú Tài, nhưng Nguyễn Tuyên là một người sở học uyên thâm, có chí giúp đời, được đồng môn, thân sĩ và người dân trong vùng quý mến; song với học vị Tú Tài, ông không đủ điều kiện để tham gia vào chốn quan trường bằng con đường khoa bảng theo quy định của nhà nước đương thời.

Nguyễn Tuyên là cha của nhà cách mạng vô sản Nguyễn Nghiêm (1904- 1931), bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. Ông cũng là bác ruột của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912- 1971), người nổi tiếng trong phong trào thơ mới 1932- 1945 và là tác giả của nhiều văn phẩm giá trị.
                                                               

Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Trần Kỳ Phong (1872- 1941)


 


CÁC TIN KHÁC
.