Cấm chăn nuôi vùng nội thành, nội thị, khu dân cư: Nhiều băn khoăn

07:12, 12/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, trong đó có quy định nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư (KDC). Quy định này khiến người dân, chủ trang trại và doanh nghiệp (DN) chăn nuôi băn khoăn, lo lắng...
 Cấm chăn nuôi khu vực nội thành, nội thị, thị trấn, khu dân cư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nhiều hộ dân.
Cấm chăn nuôi khu vực nội thành, nội thị, thị trấn, khu dân cư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nhiều hộ dân.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn heo gần 430 nghìn con, đàn bò xấp xỉ 291 nghìn con; đàn trâu trên 71 nghìn con; gia cầm hơn 5,1 triệu con và 32 nhà yến... Tuy nhiên, việc chăn nuôi phát triển chủ yếu theo quy mô nông hộ, còn chăn nuôi theo hình thức trang trại tuy có tăng nhưng chưa nhiều, với 83 trang trại chăn nuôi và 34 trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng cây lâm nghiệp. Trong đó, có 22 trang trại chăn nuôi liên kết giữa người dân và 4 DN, là: Công ty CP Thái Việt, Công ty CP GreenFeed, Công ty CP Mavin và Công ty CP Chăn nuôi CP.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đức Bình: “Cần thiết nhưng phải có lộ trình”
 
Các chất thải, nước thải từ chăn nuôi có thể ảnh hưởng đến không khí, nước mặt và nước ngầm. Bởi trong phân động vật có chứa nhiều chất, như: Nitrate, Phosphate, Kali, Đồng, Kẽm và Amoniac... Khi thải ra ngoài môi trường, những chất này bị lưu giữ vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước. Điều quan ngại là, khi con người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi, thì về lâu dài, có thể gây ra những dị tật ở thai nhi và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
 
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, nếu không có biện pháp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi một cách thỏa đáng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, vật nuôi và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, việc thay đổi khung chính sách dành cho ngành chăn nuôi; trong đó có việc dịch chuyển khu vực chăn nuôi ra khỏi khu vực đông dân cư, thành phố, thị xã, thị trấn là cần thiết. Vấn đề là, việc thực hiện cần phải nghiên cứu cụ thể, tránh áp đặt và đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của một bộ phận người dân.
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) Ngô Hữu Hạ: “Đang chờ nghị định hướng dẫn”
 
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, nhưng phải chờ Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn. Khi các nghị định này có hiệu lực, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh ban hành quyết định cụ thể, để tổ chức thực hiện sau khi xin ý kiến HĐND tỉnh. Hơn nữa, lộ trình thực hiện việc di dời chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn và KDC là 5 năm, nên các hộ chăn nuôi sẽ có thời gian để nuôi, bán hết vòng đời của vật nuôi.
 
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tham vấn các sở, ngành, địa phương về việc xác định và định danh khu vực nội thành, nội thị, thị trấn, KDC không được phép chăn nuôi và Quyết định khu vực nuôi chim yến, cũng như đề xuất các chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, Nhà nước không thu hồi nhà xưởng, chuồng nuôi và đất đai, nên sẽ không có chính sách hỗ trợ đối với quy mô chăn nuôi nông hộ, mà chỉ đề xuất hỗ trợ di dời đối với chăn nuôi trang trại.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng: “Ưu tiên thực hiện những khu vực trọng điểm”
 
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi nông hộ trên đất vườn diễn ra khá phổ biến. Nhiều hộ tiến hành xây mới hoặc cơi nới chuồng trại, để mở rộng quy mô nuôi, khiến môi trường ngày càng ô nhiễm, nhiều loại mầm bệnh phát sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống người dân xung quanh. Nguyên nhân là hầu hết các điểm chăn nuôi chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải chất thải hoặc có nhưng dung tích chứa nhỏ.
 
Tuy nhiên, chăn nuôi là thu nhập chính của một bộ phận không nhỏ người dân, nên việc vận động hộ chăn nuôi di dời ra khỏi KDC là việc không phải dễ; cộng với một số địa phương cũng không còn quỹ đất để bố trí khu chăn nuôi tập trung. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương lấy ý kiến, để đưa ra phương án hạn chế chăn nuôi tự phát; đồng thời ưu tiên di dời và cấm chăn nuôi ở một số khu vực gần trường học, bệnh viện, nguồn nước và KDC đông đúc. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Linh động trong quá trình triển khai thực hiện”
 
Những năm qua, ngành chăn nuôi mặc dù đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất; công tác vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng được cải thiện. Nhưng tình hình chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Trong đó, việc chăn nuôi khu vực nội thành, nội thị và KDC hiện vẫn còn phổ biến, nhất là việc nuôi chim yến đang bùng nổ ở thị trấn La Hà. Chính hoạt động này đã làm phát sinh tiếng ồn, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư, gây mất mỹ quan đô thị.
 
Thế nhưng, việc cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị, hay thị trấn, thị xã, KDC cũng phải linh động trong quá trình triển khai thực hiện. Bởi có trường hợp chăn nuôi ở các khu vực trên, nhưng vẫn đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở chăn nuôi và xử lý môi trường.
 
 Đại diện Công ty CP Chăn nuôi Thái Việt (Đà Nẵng) Lê Văn Hoàng: “Nhà nước cần xem xét định nghĩa thế nào là KDC”
 
Trước kia, một số trang trại chăn nuôi được bố trí ở cách xa KDC. Nhưng về sau, vì thiếu quỹ đất, địa phương lại xây dựng KDC mới gần trang trại chăn nuôi cũ. Nếu giờ yêu cầu di dời trang trại là không phù hợp. Vì vậy, nếu Nhà nước không có quy định cụ thể  KDC, quy mô và mức độ dân số, thời gian hình thành KDC thì, các doanh nghiệp và người dân sẽ rất khó xây dựng trang trại chăn nuôi theo đúng quy chuẩn, kéo theo hoạt động sản xuất không ổn định. Trong khi đó hiện nay, nhà nước khuyến khích giảm chăn nuôi nông hộ, tăng loại hình chăn nuôi gia trại và trang trại, nhưng nếu không giải có giải pháp phù hợp, thì sẽ khiến doanh nghiệp ngại đầu tư.
 
Ông Lê Minh Nông, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi): “Cần hỗ trợ di dời cũng như đào tạo, giới thiệu và tạo việc làm cho người chăn nuôi”
 
Việc cấm chăn nuôi trong KDC, chúng tôi sẽ chấp hành, nhưng Nhà nước cũng phải hỗ trợ kinh phí di dời, xây dựng chuồng trại, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản tại khu chăn nuôi mới. Bởitrước kia, khu chăn nuôi tập trung của xã được xây dựng, để đối phó tình hình ô nhiễm. Nhưng do khó khăn về kinh phí, nên những khu này chỉ được san ủi mặt bằng, làm đường giao thông, kéo điện lưới, còn thiếu nhiều hạ tầng thiết yếu khác, nên các chủ trang trại phải tự đầu tư hoàn thiện. Nếu giờ di dời, kinh phí thực hiện sẽ rất lớn, nhiều chủ trang trại sẽ rất khó, thậm chí không xoay sở được.
 
Hơn nữa, không riêng gì tôi, mà thu nhập của nhiều hộ gia đình ở khu vực nội thành, nội thị phụ thuộc chủ yếu vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu giờ cấm chăn nuôi, gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì mất nguồn thu nhập chính. Vì vậy, trước khi cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, tôi mong muốn Nhà nước có cơ chế chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ đào tạo, giới thiệu và tạo việc làm cho người chăn nuôi.
 
Kim Ngân
(thực hiện)
 
 

.