Tỏa sáng y đức

05:01, 09/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với tấm bằng bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ Nguyễn Văn Nhất có thể xin công tác ở các bệnh viện trong tỉnh, nhưng anh lại gắn bó với người dân ở vùng cao Sơn Tây.

TIN LIÊN QUAN


Thầy thuốc "thắng thầy mo"

Tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Huế, bác sĩ Nguyễn Văn Nhất, quê xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) về làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Liên (Sơn Tây). Những ngày đầu anh về công tác, trạm y tế thiếu thốn nhiều trang thiết bị, cơ sở tạm bợ. Nhưng khó nhất vẫn là người dân còn tin thầy cúng mỗi khi bị bệnh. Bệnh nặng, nhẹ cũng đều cho rằng do "con ma rừng". Gia đình nào khá giả thì mổ heo, trâu, bò để cúng; gia đình nào khó khăn thì cũng cúng gà, vịt...

 Bác sĩ Nguyễn Văn Nhất băng rừng đi tuyên truyền cho người dân biết cách ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhất băng rừng đi tuyên truyền cho người dân biết cách ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh.


Trước thói quen đó, bác sĩ Nhất vẫn kiên trì bám trụ cơ sở để tuyên truyền. “Ở vùng cao, không thể ngồi ở trạm chờ người bệnh đến khám, mà phải tới từng khu dân cư để khám bệnh cho người dân. Muốn dân tin thầy thuốc, thì phải điều trị bớt bệnh”, bác sĩ Nhất nói.

Người đầu tiên được bác sĩ Nhất cứu sống là một bệnh nhân ở Khu dân cư Nước Vương. Lúc đó, bệnh nhân nhỏ tuổi đang sốt cao, co giật do viêm Amidan, nhưng người nhà đốt lửa xung quanh, bên trong thì thầy cúng đang soạn đồ cúng để đuổi ma rừng gây bệnh.

Thấy tình hình bệnh nhân đang nguy kịch, anh Nhất nhẹ nhàng tư vấn cho người nhà: “Ai cúng thì cứ cúng, nhưng để tôi xem cháu bé thế nào”. Thế là bên ngoài tấm phên, nghi thức cúng vẫn diễn ra, bên trong bác sĩ nhẹ nhàng lau mát toàn thân cho bệnh nhân, cho dùng thuốc hạ sốt và đưa người bệnh xuống trạm tiếp tục theo dõi, điều trị. Bệnh nhân thoát chết trong gang tấc. Sau ca cứu người, dân trong làng kháo nhau: Bác sĩ Nhất giỏi quá, đuổi ma bệnh đi rồi!”.

“Trạm Y tế xã Sơn Liên dưới sự quản lý của bác sĩ Nhất đã đạt chuẩn y tế quốc gia, được trang bị và làm chủ nhiều thiết bị hiện đại, như siêu âm, điện tim”.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây CHÂU NGUYỄN THƯƠNG


Chuyện cười ra nước mắt

Trường hợp một em bé bị chốc ghẻ, sinh dịch ở đầu cũng ly kỳ không kém. Người nhà cúng hết gà, vịt, heo, bò rồi mới tìm tới bác sĩ Nhất. “Bác sĩ ơi, con dơi ăn đầu con tôi”, mẹ bệnh nhân nói.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhất thường xuyên đến nhà những người dân lớn tuổi để khám sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhất thường xuyên đến nhà những người dân lớn tuổi để khám sức khỏe.


Sau khi khám bệnh, xử lý vết thương cho em bé, bác sĩ Nhất đưa bệnh nhân xuống trạm theo dõi, điều trị và tư vấn người nhà: “Không phải con ma bệnh bắt con dơi trên trời xuống ăn thịt. Mà do em bé bị bệnh ghẻ, con dơi nghe mùi tanh nên đến ăn dịch vết thương đó”. Từ đó, uy tín của bác sĩ Nhất càng tăng thêm trong lòng đồng bào Ca Dong nơi đây. Cũng nhờ bác sĩ Nhất mà gần 20 người ngộ độc thực phẩm do ăn phải thịt heo ở  thôn Nước Vương cách đây một năm đã được cứu sống.

Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sĩ Nhất còn là thầy thuốc giàu y đức, luôn giúp đỡ người bệnh. Những bệnh nhân đến trạm không đủ tiền đi bệnh viện, anh bỏ tiền túi để giúp đỡ. Tình cảm thầy thuốc với người dân vùng khó khăn luôn gắn kết bởi những nghĩa cử nhỏ nhưng đáng trân trọng.

Năm 2015, bác sĩ Nhất hoàn thành chuyên khoa I, được nhiều bệnh viện tuyến huyện mời về làm việc, nhưng bác sĩ Nhất vẫn quyết định gắn bó với đồng bào vùng khó khăn. Bác sĩ Nhất bộc bạch: “Dân quý mình, tin mình, mình cũng quý và gắn bó với dân làng ở đây gần 10 năm trời, nên sẽ ở đây cống hiến lâu dài, giúp người dân giữ gìn và nâng cao sức khỏe”.


 Bài, ảnh: KN


 


.