Phòng Y tế tuyến huyện: Vì sao hoạt động chưa hiệu quả?

09:05, 09/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2006, Phòng Y tế trực thuộc UBND các huyện, thành phố khu vực đồng bằng được thành lập. Dù chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng, song hiệu quả hoạt động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết phòng y tế các huyện, thành phố hiện nay đều gặp khó khăn trong hoạt động, nhất là về mặt nhân lực. Trưởng Phòng Y tế TP.Quảng Ngãi Lê Thị Cảnh cho biết, đây là cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện, thành phố quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp huyện, thành phố.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh trong lần phối hợp với Phòng y tế thành phố giám sát hoạt động một số phòng khám tư nhân.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh trong lần phối hợp với Phòng y tế thành phố giám sát hoạt động một số phòng khám tư nhân.


Về mặt chuyên môn, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế... Tuy nhiên, sau khi thành lập, phòng chưa thể hiện được hết chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn. Nguyên nhân, do chức năng, nhiệm vụ quá nhiều, nhưng nhân lực lại mỏng. Hiện Phòng Y tế thành phố có 3 biên chế thì không thể quán xuyến hết nhiệm vụ được giao.

Đơn cử như việc kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân, trên địa bàn thành phố có trên 400 phòng khám lớn nhỏ, nên phòng không thể kiểm soát thường xuyên. Hằng năm, phòng phối hợp với Sở Y tế tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ. Công tác ATVSTP cũng không theo dõi hết được. Cùng với đó là việc quản lý hơn 80 nhà thuốc, quày thuốc tư nhân.

Phòng Y tế huyện Nghĩa Hành cũng trong tình trạng trên, với 3 cán bộ, nhân viên. Đã hơn chục năm rồi, nhưng đơn vị chưa có trưởng phòng; không có dược sĩ đại học để quản lý hành nghề y, dược tư nhân.  “Chức năng, nhiệm vụ được giao rộng, người ít, nên hoạt động chưa hiệu quả là điều đương nhiên. Chúng tôi đề nghị huyện bổ sung nhân lực, nhưng không có định biên”, y sĩ Nguyễn Xuân Anh- Phó Phòng Y tế huyện cho biết.

Còn tại Phòng Y tế huyện Tư Nghĩa, cũng chỉ có 3 cán bộ và chưa có trưởng phòng. Biên chế ít, thiếu bác sĩ, dược sĩ;  kinh nghiệm quản lý, điều hành yếu... dẫn đến công tác tham mưu chưa đạt yêu cầu là thực trạng chung của các phòng y tế trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, chế độ, chính sách đãi ngộ chưa phù hợp, nên một bộ phận cán bộ chưa an tâm công tác.

Trưởng Phòng Tổ chức  Sở Y tế Huỳnh Từ, cho biết: “Đã có nhiều ý kiến về việc giải thể, sáp nhập phòng y tế, tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ thì phòng y tế tuyến huyện, thành phố hiện nay cũng giống như một Sở Y tế thu nhỏ. Các địa phương rất cần có hoạt động của phòng y tế để giúp UBND các huyện, thành phố quản lý nhà nước về công tác y tế trên địa bàn. Do đó, chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí biên chế và hỗ trợ, tạo điều kiện để các phòng y tế phát huy hiệu quả theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Bài, ảnh: KN
 


.