Bước tiến mới trong khám, chữa bệnh ở tuyến huyện

07:01, 31/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Đến đầu năm 2017, một số bệnh viện tuyến huyện đã áp dụng những dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Không chỉ đầu tư ở các huyện đồng bằng, việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ở các huyện miền núi cũng ngày càng được chú trọng.

 
Triển khai kỹ thuật mổ nội soi
 
Ông Trường Tạo ngụ ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) là một trong những bệnh nhân vừa được mổ nội soi để điều trị bệnh viêm ruột thừa tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất. Sau quá trình phẫu thuật và điều trị sau mổ, đến nay sức khỏe ông Tạo đã bình thường trở lại.
 
“Khi đau thì tôi được người nhà chở tới bệnh viện rồi được làm thủ tục phẫu thuật ngay. Mổ nội soi nên tôi hồi phục khá nhanh. Như vậy, gia đình đỡ mất công phải chuyển viện vừa tốn thời gian vừa tốn thêm chi phí.”- ông Tạo cho hay.

 

Kỹ thuật mổ nội soi được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất từ đầu năm 2016
Kỹ thuật mổ nội soi được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Dung Quất từ đầu năm 2016

 

Từ ngày triển khai kỹ thuật mổ nội soi vào đầu năm 2016, mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa Dung Quất tiếp nhận phẫu thuật cho khoảng 10-15 ca bệnh viêm ruột thừa và u nang buồng trứng. Trước đây, những bệnh này đều phải được chuyển viện lên tuyến trên.
 
Bác sĩ Nguyễn Quốc Chinh- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Dung Quất cho hay: Máy hỗ trợ phẫu thuật nội soi có kinh phí 1,5 tỷ đồng. Từ ngày được áp dụng, các bệnh nhân được phẫu thuật đều có tiến triển hậu phẫu tốt và vết khâu khá thẩm mỹ nên có phản hồi rất tích cực.
 
Đến nay, ngoài Bệnh viện Đa khoa Dung Quất, bệnh viện tuyến huyện thứ hai đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật bằng nội soi thành công là Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm. Điều này giúp cho hàng trăm người bệnh được điều trị ngay tại cơ sở, không phải chuyển lên tuyến trên.
 
Tiếp tục đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại
 
Trong năm 2016, ngoài máy hỗ trợ mổ nội soi, Bệnh viện Đa khoa Dung Quất cũng đang triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao như: Máy điện tim, 5 máy lọc máu chạy thận với tổng giá trị 5 tỷ đồng. Riêng với dịch vụ chạy thận, bệnh viện đang hoạt động với công suất 24 lượt bệnh nhân/ tuần.

 

Việc triển khai dịch vụ chạy thận ở bệnh viện tuyến huyện giúp giảm tải lượng bệnh nhân ở tuyến tỉnh và giúp người bệnh giảm bớt chi phí, thời gian
Việc triển khai dịch vụ chạy thận ở bệnh viện tuyến huyện giúp giảm tải lượng bệnh nhân ở tuyến tỉnh và giúp người bệnh giảm bớt chi phí, thời gian

 

Đăng ký chạy thận ngay từ khi bệnh viện có thông báo sẽ hoạt động dịch vụ này, ông Nguyễn Văn Thiên ngụ ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải vô cùng vui mừng. Bởi, ông Thiên cùng người thân đã thoát khỏi cảnh một tháng 4 lần chạy ra Quảng Nam, Đà Nẵng để điều trị.

“Trước khi về đây chạy thận thì tôi đã chạy thận ở Quảng Nam 1,5 năm. Cứ 1 tháng thì riêng chi phí đi lại, ăn ở mất khoảng 1,5-2 triệu đồng. Đó là chưa kể mất thời gian và phải có thêm người nhà đi theo chăm sóc. Từ ngày về Bệnh viện Đa khoa Dung Quất thì chi phí đã giảm đi đến 80% vì ở gần rất thuận tiện”- ông Thiên chia sẻ.
 
Hiện toàn tỉnh có tổng cộng 50 máy chạy thận với 30 máy đặt tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm 10 máy, Bệnh viện Đa khoa Dung Quất và Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa, mỗi đơn vị 5 máy. Đây là cách để giảm tải bớt lượng bệnh nhân chạy thận ở tuyến tỉnh để phân bổ về cơ sở. Đồng thời, giúp người bệnh tiết kiệm bớt chi phí lẫn thời gian khám, chữa bệnh.

Với huyện miền núi Ba Tơ, tuy chưa triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, nhưng mới đây Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cũng đã đưa vào sử dụng máy chụp Xquang kỹ thuật số trị giá 1,2 tỷ đồng. So với dòng máy đời cũ, máy mới trả kết quả trong vòng 4-5 phút sau khi chụp. Không những vậy, hình ảnh cũng xét nét, giúp khâu chẩn đoán bệnh chuẩn xác hơn rất nhiều.

Bà Đặng Thị Phương- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết: Khâu chụp X quang đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều. Trước đây bệnh nhân phải chờ 30 phút đến cả tiếng đồng hồ mới nhận được kết quả thì nay đã nhanh gọn hơn. Để chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương được nâng cao hơn nữa chúng tôi cũng đã cử bác sĩ đi đào tạo và đề xuất Sở Y tế quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị hơn nữa.
 
Trong năm 2017, ngành Y tế nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở. Trong đó, việc đầu tư trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực được quan tâm hàng đầu. “Chúng tôi sẽ tăng cường kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để bổ sung các máy móc, trang thiết bị hiện đại về bệnh viện huyện. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo y, bác sĩ để bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành máy móc, áp dụng các dịch vụ điều trị kỹ thuật cao ở ngay cơ sở”- Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế cho hay.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 

.