Phòng, chống dịch bệnh sau lũ

02:12, 17/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau cơn lũ, người dân ở nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường. Ngành y tế đang khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Tập trung xử lý nguồn nước

Tại huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi trận mưa lũ vừa qua, nỗi lo của bà con hiện nay là vấn đề xử lý vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sau lũ. Tại thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), đến ngày 10.12, nước vẫn chưa rút hết. Cán bộ trung tâm y tế dự phòng huyện và trạm y tế xã lội bộ trên con đường ngập ngụa bùn đất để  xử lý nguồn nước giếng giúp người dân có nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt. Ở nhiều đoạn đường, cán bộ y tế phải chèo ghe vào nhà dân. Đây là vùng  trũng thấp, bị ngập nặng nên hầu hết các gia đình phải đi gánh nước sạch về sử dụng.

Cán bộ y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa hướng dẫn người dân khử khuẩn nước giếng.                                                                                             ẢNH: kim ngân
Cán bộ y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa hướng dẫn người dân khử khuẩn nước giếng.


Ông Lê Nhị ở thôn Điền Chánh, cho biết: “Hai giếng đóng và giếng khơi của nhà tôi đều bị ngập. Cán bộ y tế tới hướng dẫn khử khuẩn nguồn nước, nên gia đình cũng an tâm phần nào. Hơn 30 con gà, vịt chết do nước lũ, tôi chôn đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế, để không gây ô nhiễm môi trường”.
 

Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 2.710 giếng nước bị ngập lụt. Sở Y tế đã tổ chức các đoàn đến kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả mưa lũ và công tác xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp 100 nghìn viên Aquatabs và hơn 2.500kg Chloramin B cho các địa phương xử lý môi trường, nguồn nước sau lũ.

Bác sĩ Trần Đình Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tư Nghĩa cho biết, hàng trăm giếng nước của người dân bị ngập trong nước lũ. Đội Y tế dự phòng huyện đã khẩn trương triển khai công tác xử lý môi trường, cấp hơn 6.400 viên khử khuẩn làm sạch nước Aquatabs và Cloramin B giúp người dân kịp thời xử lý sạch nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Cảnh giác với sốt xuất huyết

Theo giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tại các địa bàn ngập lụt xuất hiện khá nhiều ổ bọ gậy, do đó nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết là rất lớn nếu không khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch. Tính đến đầu tháng 12, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.300 ca mắc sốt xuất huyết Dengue.

Ông Lê Thọ, ở đội 8, thôn Điền Chánh, cho biết: "Chiều tối là muỗi bu đen cả tường nhà, sợ bị sốt xuất huyết nên gia đình phải dùng nhang muỗi, thuốc xịt để giảm bớt muỗi". Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ y tế, người dân ở các địa phương, nhất là ở vùng bị ngập lụt nặng cần phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh sau lũ.

Ngành y tế hiện đang tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn... Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Chính quyền, đoàn thể các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh, phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và  phát sinh mầm bệnh.            
 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.