BHYT cho người nhiễm HIV: Còn nhiều khó khăn

02:08, 11/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chế độ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS được xem là chỗ dựa cho bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc, điều trị khi các nguồn tài trợ nhân đạo quốc tế bị cắt giảm hoàn toàn vào năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay số người nhiễm HIV tham gia BHYT còn thấp, điều kiện áp dụng điều trị cho bệnh nhân có thẻ BHYT còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

TIN LIÊN QUAN

Lâu nay việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) cho bệnh nhân HIV hoàn toàn miễn phí, do có nguồn tài trợ. Đây là phương pháp điều trị duy nhất giúp giảm tử vong, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV cần uống đúng, đủ liều, uống suốt đời.

Toàn tỉnh có 215 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) trên tổng số hơn 400 bệnh nhân HIV/AIDS (còn sống) được quản lý. Tuy nhiên, các quỹ tài trợ quốc tế cho việc điều trị sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nên hoạt động chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại tỉnh sẽ phải chuyển sang hình thức BHYT đồng chi trả.

Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Ba Tơ được khám bệnh tại nhà.
Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Ba Tơ được khám bệnh tại nhà.


Toàn tỉnh chỉ có hơn 90 bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT. Bác sĩ Võ Mẫn - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng, sở dĩ bệnh nhân HIV tham gia BHYT còn thấp  là do đa số bệnh nhân HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của việc mua BHYT.
 

“Hoạt động truyền thông, tư vấn người nhiễm HIV mua BHYT cần được tăng cường. Bởi điều trị ARV là điều trị liên tục suốt đời, nếu vì lý do nào đó mà việc sử dụng thuốc bị gián đoạn, nguy cơ kháng thuốc rất cao, nếu phải thay đổi phác đồ từ bậc 1, lên bậc 2 điều trị sẽ tốn kém gấp nhiều lần; mặt khác nồng độ vi rút trong máu tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác”.
Bác sĩ Võ Mẫn, cho hay.

Chị Phạm Thị K, một bệnh nhân thường xuyên nhận thuốc ARV tại trung tâm cho biết: “Tôi nhiễm HIV từ chồng, nhiều năm nay được điều trị bằng thuốc ARV và chăm sóc đầy đủ nên sức khỏe tốt.

Với những bệnh nhân nhiễm HIV như tôi, thẻ BHYT là rất cần thiết, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên chưa mua được”. Ngoài ra, một số bệnh nhân chưa mua BHYT là do lo lắng thông tin mình bị nhiễm HIV bị “lộ”, bởi còn không ít bệnh nhân còn mặc cảm, bởi sự kỳ thị của cộng đồng.

Hiện nay, việc điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV đều do Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS đảm nhận, chưa triển khai được ở bệnh viện tuyến huyện, thành phố. Bác sĩ Võ Mẫn, chia sẻ: Muốn thực hiện việc chi trả bằng quỹ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải đáp ứng được các điều kiện để có thể ký hợp đồng và thanh toán với BHXH (gồm các quy định về cơ sở điều trị, năng lực xét nghiệm và bác sĩ điều trị...), nhưng y tế tuyến huyện chưa đáp ứng được.

Ngoài ra, theo yêu cầu của BHXH về thanh toán, bác sĩ chỉ định điều trị ngoài chứng chỉ hành nghề còn phải ghi rõ chứng chỉ phạm vi hoạt động. Như vậy, bác sĩ chỉ định thuốc và điều trị HIV/AIDS phải bổ sung phạm vi hoạt động HIV/AIDS vào chứng chỉ hành nghề thì mới được BHXH thanh toán...Với quy định đó, tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cũng chưa đủ điều kiện để điều trị bệnh nhân HIV/AIDS thanh toán BHYT. Trung tâm chỉ có 3 bác sĩ, trụ sở hoạt động chung với Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Quảng Ngãi, diện tích còn chật hẹp.

Để tạo điều kiện cho bệnh nhân HIV được điều trị thông qua BHYT, hiện nay ngành y tế đang  phối hợp với BHXH tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Kiện toàn lại các phòng khám ở các bệnh viện, cũng như đào tạo về nhân lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS về tuyến y tế huyện, thành phố vào đầu năm 2017.
                  

Bài, ảnh: KN

 


.