Để trẻ không bị tai nạn do... thuốc

08:10, 24/10/2015
.

Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh tật tấn công do vậy thường xuyên phải dùng thuốc điều trị. Để dùng thuốc cho trẻ đạt hiệu quả điều trị cao nhất và giảm thiểu tối đa những tai biến do thuốc, ngộ độc thuốc có thể xảy ra, bài viết này sẽ đề cập tới một số điều cần biết để dùng thuốc cho trẻ được an toàn.


Dùng thuốc theo đúng chỉ định

Một điều luôn phải ghi nhớ là trẻ em không phải người lớn thu nhỏ. Điều đó nói lên sự khác biệt căn bản giữa trẻ em và người lớn chính là thể trạng sinh lý của trẻ không biểu hiện sự trưởng thành mọi mặt như người lớn. Cơ thể trẻ chưa được trang bị các khả năng chuyển hóa đầy đủ để dễ dàng đào thải, phương thức loại trừ độc chất ra khỏi cơ thể cũng không mạnh mẽ như của người lớn. Vì vậy có thể cùng một chứng bệnh không thể mang đơn thuốc của người lớn ra dùng cho trẻ em với liều lượng thấp hơn. Với việc sử dụng thuốc và liều lượng thuốc không thích hợp, thuốc sẽ dễ dàng và nhanh chóng tích tụ trong cơ thể gây ngộ độc. Tuyệt đối không tự động chia liều thuốc người lớn nhỏ ra để cho trẻ nhỏ uống nếu không có chỉ định của thầy thuốc.
 


Liều lượng thuốc dùng cho trẻ phải chuẩn xác

Trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh đáp ứng với thuốc khác người lớn. Cần đặc biệt thận trọng ở giai đoạn sơ sinh (30 ngày đầu sau khi sinh), liều lượng cần phải tính toán thật chính xác. Ở thời kỳ sơ sinh, nguy cơ ngộ độc thuốc tăng lên nhiều do thận lọc kém hiệu quả, các enzym tương đối thiếu hụt, tính nhạy cảm với thuốc của các cơ quan đích rất khác nhau và đặc biệt hệ thống khử độc chưa hoàn chỉnh gây thải trừ chậm. Liệu pháp dùng thuốc an toàn và hiệu quả ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đòi hỏi phải có sự hiểu biết về những thay đổi trong quá trình trưởng thành đã tác động đến tác dụng, chuyển hóa và độ thanh thải hoàn toàn của thuốc như thế nào.

Liều lượng thuốc thường căn cứ vào cân nặng cơ thể (thể trọng tính bằng kilogam) hoặc theo tuổi: Mới đẻ (tháng đầu) cho đến 1 tuổi (trẻ nhỏ), 1 - 5 tuổi, 6 - 12 tuổi. Hầu như tất cả các thông số dược động học thay đổi theo lứa tuổi. Liều lượng thuốc ở trẻ em tính theo mg/kg, cần phải được điều chỉnh theo đặc điểm dược động học của riêng từng thuốc, theo tuổi (yếu tố quyết định chính), tình trạng bệnh, giới tính (trong thời kỳ sau dậy thì) và theo nhu cầu của từng bệnh nhi. Nếu không có thể dẫn đến điều trị không kết quả hoặc có nguy cơ nhiễm độc.

Bố mẹ không cho bất kỳ loại thuốc nào vào trong bình sữa cho trẻ bú vì thuốc có thể tương tác với sữa hoặc thức ăn. Hơn nữa, làm như vậy có thể số lượng thuốc đưa vào cơ thể bị thiếu hụt nếu bệnh nhi không dùng hết sữa hoặc thức ăn chứa trong bình, do vậy việc điều trị sẽ kém hiệu quả.

Tính đáp ứng thuốc của trẻ rất nhạy

Ở trẻ em, tất cả các cơ quan của cơ thể đều đang trong quá trình phát triển và trưởng thành. Một số hoạt chất có thể làm rối loạn tiến trình này. Vì thế, có nhiều loại thuốc chỉ dùng được cho người lớn mà không được dùng cho trẻ em hoặc cho người mẹ mang thai để tránh làm rối loạn tiến trình tăng trưởng của bào thai hoặc trẻ nhỏ sau này. Điển hình là kháng sinh thuộc nhóm cycline (tetracycline...) đã được biết từ lâu gây ra tình trạng chậm phát triển men răng làm cho răng dễ hư hỏng, vàng răng không chữa được ở trẻ em. Hơn nữa, các cơ quan của cơ thể trẻ còn non nớt nên việc đáp ứng thuốc, tính thẩm thấu của thuốc rất khác người lớn. Ví dụ như làn da trẻ em rất mịn, mỏng, yếu so với da người lớn nên các loại thuốc bôi ngoài da, cao dán có tác dụng xuyên da có khả năng thâm nhập vào da sâu hơn và dễ dàng đi vào hệ tuần hoàn máu. Khi đã vào máu, các hoạt chất có thể tác động trực tiếp kéo theo những tác dụng phụ gây hại lên cơ thể trẻ em từ đó dễ dẫn đến ngộ độc thuốc. Đây là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý để bảo vệ sức khỏe trẻ em vì hiện nay việc tự ý mua thuốc trị bệnh cho con rất phổ biến.

Làm gì khi bé bị tai nạn do thuốc?

Để phòng tai nạn về thuốc cho trẻ em, cha mẹ cần nhớ:

Không để thuốc ở tầm với tay của trẻ em. Nếu có trẻ hiếu động hay nghịch phá thì tủ thuốc phải khóa lại. Không cho trẻ cầm thuốc chơi, vì theo thói quen bé sẽ dễ dàng bỏ vào miệng.

Trường hợp bé nuốt phải thuốc, cần làm cho bé ói càng sớm, càng nhiều càng tốt. Tìm xem bé đã uống phải loại thuốc gì, kiểm tra thuốc dùng dở dang, thuốc thiếu còn nằm trong túi, thuốc rơi vãi dưới bàn ghế hay trên mặt đất... và mang theo khi đưa bé nhập viện để tiện biết nguyên nhân ngộ độc và dùng chất đối kháng để chữa trị. Đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất có thể vì sau 4 giờ thuốc có thể ngấm vào cơ thể, gây ra những tai biến khó lường.
 

Theo DS. Hoài Thanh/SKĐS


.