Lý Sơn: Thực hiện biện pháp tránh thai nhiều năm liền không đạt chỉ tiêu

06:04, 19/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn là địa phương được ưu tiên đầu tư nhiều về nguồn nhân lực và các chương trình dự án DS-KHHGĐ. Thế nhưng, nhiều năm liên tiếp huyện không đạt chỉ tiêu về thực hiện các biện pháp tránh thai (BPTT), đặc biệt là biện pháp đình sản.

Là địa phương đặc thù vùng biển đảo, có những khó khăn nhất định, nhưng về nguồn nhân lực tương đối dồi dào. Tuy có 3 xã nhưng có đến 70 cán bộ dân số, trong đó Trung tâm DS-KHHGĐ huyện có đến 6 viên chức, trong khi đó huyện Bình Sơn (25 xã), Ba Tơ (20 xã) và Tư Nghĩa (18 xã) cũng 6 cán bộ viên chức. Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị truyền thông cũng được trang bị mới đầy đủ, trang thiết bị phục vụ cho dịch vụ KHHGĐ cũng được cung cấp kịp thời như máy siêu âm xách tay, vi tính mỗi xã 01 máy… Hằng năm đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên cũng được tham dự đầy đủ các lớp tập huấn đào tạo cơ bản về chương trình DS-KHHGĐ do tỉnh và huyện tổ chức.

 

Niềm vui của trẻ em Lý Sơn trong ngày hè.                                     Ảnh: T.L
Niềm vui của trẻ em Lý Sơn trong ngày hè. Ảnh: T.L


Năm 2013, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lý Sơn đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược DS/SKSS giai đoạn 2011-2015 và kiện toàn lại Ban chỉ đạo công tác dân số của huyện. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song kết quả đạt được rất hạn chế, trong đó biện pháp tránh thai đình sản thấp nhất tỉnh. Cụ thể năm 2010 đạt 64,71%, năm 2011 đạt 64,71%, năm  2012 đạt 76,47%, và 2013 đạt 47,06%, trong khi đó, tỷ lệ này năm 2013 toàn tỉnh đạt 108,80% kế hoạch năm. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Lý Sơn tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao trên 14%, trong khi đó toàn tỉnh là 11,13%.     

Nguyên nhân, do Trung tâm y tế huyện Lý Sơn chưa thực hiện phẫu thuật biện pháp đình sản tại chỗ. Khi cộng tác viên vận động được đối tượng đình sản nào là Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức đưa vào đất liền để thực hiện rất tốn kém. Mặt khác, do công tác tuyên truyền vận động chưa đến nơi đến chốn.

Do đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lý Sơn cần xem xét lại quá trình quản lý, tổ chức hoạt động, nhất là truyền thông tại cơ sở, địa bàn khu dân cư. Cần nghiên cứu những mô hình truyền thông phù hợp với người dân vùng biển, tăng cường công tác giám sát, giúp đỡ chuyên trách, cộng tác viên trong từng hoạt động để thực hiện đạt thắng lợi chỉ tiêu từng biện pháp, góp phần vào công cuộc xây dựng biển đảo quê hương ngày càng giàu mạnh.
    

Trang Tuyết

 


.