Nỗi lo từ thức ăn đường phố

02:06, 09/06/2013
.

(QNĐT)- Thời tiết nắng nóng của mùa hè là điều kiện cho vi khuẩn, các loại dịch bệnh tiêu chảy cấp, dịch tả sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, thức ăn đường phố vẫn được bày bán tràn lan, không có sự quản lý chặt chẽ, trở thành nơi tiềm ẩn các vụ ngộ độc thực phẩm.

TIN LIÊN QUAN


Từ cuối tháng 1/2013, Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định điều kiện ATVSTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có hiệu lực. Đến nay, tuy chưa thể tuân thủ theo các quy định của Thông tư, loại hình dịch vụ này vẫn là sự lựa chọn của nhiều người dân.

Thói quen khó bỏ

Quảng Ngãi có hơn 8.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Hầu hết các cơ sở đều không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Nguy cơ khách hàng bị ngộ độc thực phẩm từ các cơ sở này là rất cao nếu không được quản lý tốt.

Tầm 5 giờ chiều, hơn chục quán bán đồ ăn vặt ở khu vực bờ đê sông Trà Khúc (TP. Quảng Ngãi) bắt đầu nhộn nhịp. Hầu hết đối tượng khách hàng là học sinh, thanh niên đến để thưởng thức các món: bánh tráng mắm ruốc, bánh kẹp, xoài, nem nướng… Ai cũng biết, những hàng quán như thế này không hề sạch sẽ, nhưng vẫn cứ đến ăn.

Quán bán hàng rong của chị Nguyễn Thị Lượm được khách hàng yêu thích nên lúc nào cũng đông đúc. Chiều 7/6, ngay khi được “thượng đế” yêu cầu lấy nước giải khát, chị Lượm liền dùng đôi tay cáu bẩn vì dính than, bốc liền vài cục đá lạnh vào ly rồi nhanh chóng đưa cho khách. Chị Lượm phân trần: Quán đông quá, lại ít người phục vụ nên làm được gì thì phải làm nhanh chứ không để khách đợi lâu. Vừa nói, chị Lượm vừa rửa sơ qua các đĩa, chén nhựa và đặt chúng một cách gọn gàng ở ngay dưới… đất, tiếp tục nướng đồ ăn.

 

Nhiều quán ăn vỉa hè không đảm bảo điều kiện ATVSTP
Nhiều quán ăn vỉa hè không đảm bảo điều kiện ATVSTP nhưng vẫn rất hút khách


Không ít khách hàng chứng kiến cảnh tượng đó, vẫn rất vô tư ngồi ăn các sản phẩm từ những hàng quán bán rong như vậy mỗi ngày. Em Nguyễn Ngọc Linh- khách quen của quán, chia sẻ: “Em rất khoái các món ăn vặt ở đây. Dù biết là tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng thèm quá thì phải ăn thôi!” Em Linh và nhiều “thượng đế” khác cũng thừa nhận, có nhiều lần sau khi ăn xong về thì bị đau bụng, phải mấy ngày mới lấy lại sức.

Không chỉ có những hàng bán rong ở bờ đê sông Trà Khúc, dọc các tuyến đường lớn, nhỏ của TP. Quảng Ngãi, các khách hàng vẫn ưa chuộng thức ăn đường phố, làm ngơ trước nguy cơ bị ngộ độc thức ăn. Anh Nguyễn Thành Thái- ngụ phường Trần Phú vừa dẫn con bước vào quán bún chả cá vỉa hè ở đường Phan Đình Phùng, cho hay: Gia đình tôi thường xuyên đến ăn ở quán này. Là người tiêu dùng thì không câu nệ quán ăn ở vỉa hè hay ở đâu, chỉ cần vừa mắt, ngon miệng thì chúng tôi sẽ rất ưa chuộng.

Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng ATVSTP của quán thì anh Thái tỏ ra không hề biết gì. Anh Thái phân trần: Thực ra thấy quán bày bán gọn gàng, vừa mắt thì tôi cho là sạch. Chứ công đoạn chế biến, thu mua nguyên liệu có đảm bảo hay không thì tôi chịu. Dù biết là có thể sẽ bị ngộ độc thức ăn, nhưng tôi cứ hy vọng người bị không phải là… mình!

Đó cũng là tâm lý chung của người tiêu dùng khi tìm đến dịch vụ thức ăn đường phố. Việc sử dụng dịch vụ này đã trở thành thói quen khó bỏ, dù họ biết nguy cơ mất ATVSTP ở những nơi này là rất cao. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra chính là sự quản lý chặt chẽ về ATVSTP loại hình kinh doanh thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Vẫn chưa thể kiểm soát

Thông tư 30 của Bộ Y tế nêu rõ, người kinh doanh thức ăn đường phố phải khám sức khỏe định kỳ, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ nguyên liệu… Việc siết chặt quản lý thức ăn đường phố theo tinh thần của Thông tư được người dân hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện theo các quy định của Thông tư là điều khó có thể thực hiện được.

 

Vẫn chưa thể kiểm soát hết các nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ loại hình dịch vụ thức ăn đường phố
Vẫn chưa thể kiểm soát hết các nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ loại hình dịch vụ thức ăn đường phố


Chị Trần Thị Thu- chủ quán bún vỉa hè cho hay: Dù biết là nhà nước có quy định rõ ràng về thức ăn đường phố, nhưng làm sao tôi làm theo được. Tôi buôn bán là dựa trên uy tín và ý thức đảm bảo VSATTP để giữ khách. Giờ bắt thực hiện theo các quy định phức tạp mới được bán thì chỉ có nước dẹp tiệm.

Sau hơn 5 tháng Thông tư 30 đi vào cuộc sống, tình hình vệ sinh ATTP ở các hàng quán vỉa hè vẫn không có gì thay đổi. Các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường với nguy cơ tiềm ẩn cao. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Mùa nắng nóng là thời điểm các vụ ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao ở các dịch vụ ăn uống ở đường phố, vỉa hè. Việc quản lý, xử phạt loại hình dịch vụ ăn uống này vô cùng khó khăn.

“Vừa qua, Thông tư 30 của Bộ Y tế ra đời, yêu cầu cơ quan chức năng lẫn người bán hàng phải tuân thủ quy định khắt khe của Thông tư. Thế nhưng, để thực sự làm được thì phải có lộ trình. Hiện tại, vấn đề ngộ độc thực phẩm từ các hàng quán vỉa hè, bán rong vẫn là điều chưa thể khắc phục”- ông Oai cho biết thêm.

Như vậy, để hạn chế nguy cơ ngộ độc thức ăn cần phải có sự hợp tác của người tiêu dùng lẫn người bán. Người bán phải ý thức cao trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến để mang đến cho khách hàng các sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng ATVSTP. Người tiêu dùng cần chọn mua, sử dụng các sản phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Đặc biệt, trong giai đoạn nắng nóng kéo dài như hiện nay, để bảo đảm sức khỏe cho chính mình, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng thức ăn đường phố.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.